Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội, Tháng Mười...

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một sự trùng hợp đầy ý nghĩa: Tháng Mười, cách nay gần bảy chục năm, khi đoàn quân chiến thắng tiến về tiếp quản Thủ đô cũng là lúc Hà Nội đang ở một trong những thời đểm đẹp nhất mỗi năm - Mùa Thu. Tháng Mười này, dường như niềm hứng khởi tăng lên gấp bội. Hà Nội đón ngày kỷ niệm trọng đại này khi vừa ra khỏi những ngày cam go chống dịch, cuộc sống đang dần trở lại nhịp điệu bình thường mới.

Hà Nội sau thời gian giãn cách lần thứ 4. Ảnh: Ngọc Tú
Niềm tin từ gian khó
Người ta vẫn hay nói, có niềm tin là có tất cả. Quan trọng như vậy, nên đương nhiên đó là điều không dễ mà có. Trong những ngày Hà Nội cùng cả nước căng mình chống đợt dịch bùng phát thứ tư với sự nguy hiểm của con virus biến thể Delta vừa qua, chúng ta hay động viên nhau: Hãy giữ vững niềm tin, dù gian khó, cam go đến đâu,

Hà Nội cũng sẽ vượt qua khó khăn, kiểm soát được đại dịch để trở lại cuộc sống bình thường mới. Niềm tin đó là động lực cũng là mục tiêu để chúng ta cùng nhau hướng tới tương lai.

Có một câu chuyện dù không mới nhưng vẫn muốn nhắc lại. Nếu để ý một chút, vào thời điểm TP chuẩn bị bước vào đợt giãn cách mới ngày 24/7, để chống lại cơn dịch bùng phát lần thứ tư, Hà Nội không hề có cảnh người dân đổ xô đến các siêu thị, chợ dân sinh để mua vét hàng hóa tích trữ. Khác hẳn với đợt giãn cách đầu tiên vào tháng 4/2020, nhiều siêu thị, chợ dân sinh chen chúc người mua vét hàng hóa. Mạng xã hội và truyền thông đồng loạt đưa hình ảnh các kệ hàng trống trơn. Ngay lúc ấy chính quyền TP đã gửi đi thông điệp: Người dân không cần tích trữ hàng hóa. TP sẽ bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm đầy đủ. Và thực tế đã chứng minh sự chính xác của thông điệp đó. Có thể nói, với niềm tin được xây dựng, bồi đắp từ những sự việc thiết thực ấy, người

Hà Nội đã cùng nhau vượt qua dịch bệnh, kể cả trong những tình huống cam go nhất, khi số F0 mỗi ngày lần đầu lên tới 3 chữ số, ngay cả khi xuất hiện ổ dịch phức tạp nhất và có số ca mắc nhiều nhất ở phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân…

Những cống hiến thầm lặng

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội đã từng bước vượt qua đại dịch. Hoàn toàn không phải là lý thuyết khi nói kết quả đó có sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của cả cộng đồng. Chỉ lấy đợt tổng công kích những ngày đầu tháng 9 với hai mũi giáp công là tiêm vaccine và xét nghiệm diện rộng cho tất cả người dân từ 18 tuổi trở lên của TP làm ví dụ. Có thể nói đây là chiến dịch quyết định sự thành bại của cuộc chiến chống dịch, để Hà Nội tiến tới cơ bản kiểm soát dịch bệnh. Sự thành công, kết quả của chiến dịch này, có nguyên nhân từ định hướng đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, sự tiếp sức của Đảng bộ, chính quyền mà trực tiếp là lực lượng y tế tuyến đầu của các địa phương Vùng Thủ đô. Nhưng cũng không thể không kể đến sự đồng tình , ủng hộ của mỗi người dân, mỗi gia đình, cộng đồng. Mà để người dân ủng hộ, đồng thuận, họ phải có niềm tin.

Nói đến những đóng góp vào thắng lợi của cuộc chiến với dịch Covid-19 ở Hà Nội, phải kể đến đóng góp của những người cán bộ cơ sở, mà chúng ta hay gọi với cái tên thân thương, những người vác tù và hàng tổng. Thực sự họ đã gánh trên vai cả núi công việc. Có một sự kiện mà cứ đến dịp 10/10, lại được người Hà Nội chờ đón: Lễ tôn vinh các Công dân Thủ đô ưu tú, những người đã có đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển TP. Năm nay cũng vậy, trong danh sách có một người dân bình thường, bà Phan Thị Bính, công dân phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dù hoàn cảnh còn khó khăn, sức khỏe không được tốt nhưng với tấm lòng nhân ái, hơn 21 năm qua, bà luôn tích cực tham gia công tác thiện nguyện giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phóng xạ ung bướu Quân đội… cũng như những người nghèo tại nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước.

Lần giở danh sách Công dân Thủ đô ưu tú được tôn vinh hơn 10 năm qua, một điều đáng phấn khởi là từ đợt đầu tiên đã có một bác tổ trưởng dân phố. Những năm tiếp theo đó, hầu như không năm nào không có đại diện của những cán bộ cơ sở được vinh danh. Họ là những Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn, Chủ tịch Hội Nông dân, Tổ trưởng Tổ tuần tra chuyên trách… những người mang cái tên chung rất gần gũi thân thương: Người vác tù và hàng tổng! Nét chung ở họ là sự cống hiến thầm lặng bằng tình cảm gắn bó, sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm và hơn tất cả là tình yêu người dân, con phố, ngõ xóm quê hương. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, với tinh thần tự nguyện, tự giác rất cao, họ là tấm gương sáng của những việc làm bình dị, thầm lặng mà cao quý trong xã hội, góp phần xây dựng Thủ đô phát triển. Họ làm được điều đó, cũng là nhờ có niềm tin mà người dân trao gửi.

Hà Nội đã lại vào những ngày thu tháng mười, như một câu hát trong ca khúc thân quen:

Không thể nói trời không trong hơn.

Và mắt em xanh khác ngày thường.

Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy.

Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường…

Hà Nội rồi sẽ vượt qua cơn đại dịch, như đã từng vượt lên bao gian nan, thử thách. Và cũng như bao lần trước, mỗi lần trải qua những cam go, gian khó, ta càng thấy tin tưởng, yêu thương, thêm nâng niu, trân trọng những gì đã và đang có, càng thấy yêu hơn Hà Nội với những phố phường, làng xóm, những con người bình dị mà thân thương. Dù còn đó không ít những điều chưa thật sự hài lòng, những mong muốn làm sao cho tốt hơn, nhưng nhìn vào những gì đã đạt được, chúng ta có quyền hy vọng và tin tưởng...