Mặc dù vậy, theo phản ánh của các DN tại Hội nghị tiếp xúc DN do UBND TP Hà Nội tổ chức sáng 14/11, thách thức đối với họ còn rất lớn, nhiều vướng mắc còn chưa được giải tỏa.
Gánh nặng chưa vơi
10 tháng qua, trên địa bàn TP có hơn 10.000 DN ngừng hoạt động (giảm 11,5%), trong đó giải thể 550 DN (tăng 49%), bỏ địa chỉ kinh doanh gần 6.500 DN (tăng 9,4%). Năm 2013, ước tính có 14.950 DN đăng ký thành lập theo Luật Doanh nghiệp với số vốn khoảng 100.000 tỷ đồng, tăng 12% về số DN và 33% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. |
Đây là nỗi trăn trở của nhiều DN dịp cuối năm khi mà tình hình kinh doanh 10 tháng qua còn nhiều khó khăn. Theo bà Lê Minh Hằng - Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt 10/10, những DN đang sử dụng nhiều lao động như Dệt 10/10 luôn thường trực nỗi lo này. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, DN dù đang nợ bảo hiểm xã hội nhưng vẫn cố gắng không để nợ lương người lao động. Đại diện DN này kiến nghị TP có thêm những giải pháp hỗ trợ DN giảm chi phí.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH Mỹ Anh cho biết, tiền lương cho công nhân của các DN trong ngành may mặc thường chiếm đến 70% doanh thu, nếu TP và Chính phủ không có giải pháp hỗ trợ kịp thời, DN sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo đời sống người lao động.
Phân xưởng may màn tuyn xuất khẩu tại Công ty CP Dệt 10/10. Ảnh: Thanh Hải
|
Hiện, TP Hà Nội đã có nhiều chính sách ưu đãi về thuế đất, thuế thu nhập DN (TNDN), tuy nhiên, quá trình triển khai ở cấp quận, huyện, các chi cục thuế còn gặp nhiều vướng mắc. Ông Phan Hùng Việt - Công ty CP Cao su Hà Nội phản ánh, các thủ tục xin hưởng hỗ trợ, ưu đãi từ TP quá phức tạp. "Chúng tôi loay hoay kê khai hồ sơ xin ưu đãi tiền thuê đất suốt hơn 10 tháng qua mà vẫn chưa xong. Nay đã sắp hết năm 2013, hồ sơ này vẫn chưa thể hoàn thiện"- ông Phan Hùng Việt dẫn chứng. DN này cũng đang gặp vướng mắc trong việc nộp hồ sơ xin thay đổi tên. Vì thủ tục này chưa được giải quyết đã làm ảnh hưởng tới việc ký kết hợp đồng thuê đất của DN.
Cũng tại Hội nghị, các DN thẳng thắn đề nghị trong Kỳ họp HĐND sắp tới, TP cần kiến nghị Chính phủ công bố đầy đủ lộ trình thực hiện các chính sách kinh tế để DN nắm bắt và có kế hoạch kinh doanh ổn định, lâu dài. "Chính sách thay đổi liên tục khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng giá cả với đối tác, ảnh hưởng tới uy tín của DN" - bà Lê Minh Hằng chia sẻ.
Hỗ trợ nhiều hơn cho xuất khẩu
Theo báo cáo của UBND TP, 10 tháng qua, Hà Nội đã tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Cụ thể, Hà Nội đã tổ chức cho hơn 54 lượt DN và 3 hiệp hội của TP tham gia các hội chợ, triển lãm tại Nhật Bản, Nam Phi, Nam Mỹ, Mỹ, Hà Lan. Sau mỗi chuyến "xuất ngoại" đó, hầu hết các DN đều ký kết được những hợp đồng có giá trị, mở rộng thêm đối tác và thị trường. Ông Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Công ty Động lực nhìn nhận, việc Hà Nội đưa DN đi tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế là hết sức cần thiết và ý nghĩa. Tuy nhiên, TP cũng cần xem xét lựa chọn hội chợ nào thực sự hiệu quả và nhiều tiềm năng. Ví dụ như Hội chợ Quảng Châu là nơi gặp gỡ của hàng ngàn DN trên thế giới, song có rất ít DN Hà Nội tham gia là điều rất đáng tiếc. Đại diện Công ty CP Cao su Hà Nội cho rằng, TP cần quan tâm hỗ trợ để DN được tham dự các hội chợ tại những nước tham gia ký kết Hiệp định TPP với Việt Nam.
Ghi nhận các ý kiến từ DN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu khẳng định, TP sẽ hỗ trợ tối đa cho DN xuất khẩu và ưu tiên để các DN TP tiếp cận với các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, TP đã có Quyết định về phát triển thương hiệu cho DN nhằm nâng cao uy tín cho DN khi xuất khẩu. Lãnh đạo TP Hà Nội đồng tình với đề xuất ban hành chính sách cần lộ trình để DN có kế hoạch kinh doanh phù hợp và sẽ có kiến nghị cụ thể lên Chính phủ.
Chia sẻ với những khó khăn mà các DN đang gặp phải, Phó Chủ tịch TP cho biết: Còn hơn một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2013, đây đang là giai đoạn nước rút, TP chia sẻ với những nỗi lo của DN, tuy nhiên TP cũng đề nghị, dù khó khăn đến đâu, các DN cũng phải có trách nhiệm đảm bảo đời sống người lao động. Dự báo, năm 2014 sẽ bớt khó khăn hơn, các DN hãy vững tin và đồng hành vượt qua giai đoạn này.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6866/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều về thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay vừa được UBND TP Hà Nội ban hành. Theo đó, DN sẽ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 12 tháng thay vì 3 tháng như trước đây. Việc hỗ trợ lãi suất tiền vay ngắn hạn bằng VND được áp dụng đối với các khoản vay theo hợp đồng tín dụng được giải ngân trong khoảng thời gian từ 1/1/2013 đến 31/12/2013. DN gửi hồ sơ đề nghị ngân sách hỗ trợ tại Sở Tài chính để thẩm tra. Thời gian nhận hồ sơ chậm nhất là ngày 31/12/2013. |