Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án cải tạo sông Tích

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chậm giải phóng mặt bằng và thiếu nguồn vật liệu đất đắp là hai khó khăn lớn nhất mà Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì).

Nhà thầu thi công cầu bắc qua sông Tích tại huyện Ba Vì (TP Hà Nội).
Nhà thầu thi công cầu bắc qua sông Tích tại huyện Ba Vì (TP Hà Nội).

Hoàn thành nhiều hạng mục

Những ngày tháng 4/2024, ghi nhận trên công trình xây dựng dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích cho thấy, tại khu vực lòng dẫn sông Tích (từ K0 đến K27,623 dài 27,623km) hiện nay đã cơ bản hoàn thành mặt cắt thiết kế các đoạn từ  K0 đến K18+300; K20+242 đến K22+019; K26+185 đến K27+623. Nhà thầu đang tiếp tục triển khai thi công hơn 6,1km lòng dẫn còn lại.

Theo thiết kế dự án, chủ đầu tư là Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) sẽ tiến hành xây dựng tổng số 17 cầu giao thông bắc ngang sông Tích. Hiện, đã hoàn thành 11 cầu, đang thi công 6 cầu. Tiến độ thực hiện 6 cầu cũng đã đạt từ 20 - 88% khối lượng.  Trong khi đó, 48/64 cống tiêu đã được hoàn thành; 16 cống khác đang tiếp tục thi công hoàn thiện.

Đối với đường giao thông hai bên bờ sông, hiện chủ đầu tư đã hoàn thiện rải thảm bê tông nhựa, sơn vạch kẻ đường khu đầu mối và đường hai bờ sông đoạn từ K0 đến K2+050; hoàn thiện lắp đặt cọc tiêu và sơn cọc. Đối với hai trạm bơm Cẩm Yên và Trạm bơm Văn Minh, các nhà thầu đang tiến hành thi công đào móng để tiếp tục triển khai xây lắp các hạng mục.

Khu vực cống đầu mối dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích.
Khu vực cống đầu mối dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích.

Tập trung giải quyết hai khó khăn

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án Tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích là công tác giải phóng mặt bằng. Theo Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, tổng diện tích giải phóng mặt bằng phải thu hồi để phục vụ thi công đoạn 1 thuộc giai đoạn 1 của dự án là 317,13ha, tập trung ở 3 huyện, thị xã: Ba Vì, Thạch Thất, Sơn Tây.

Hiện nay, đã hoàn thành bàn giao toàn bộ diện tích mặt bằng thuộc huyện Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Trên địa bàn huyện Ba Vì, tổng diện tích đất cần thu hồi là 302,7ha, hiện còn vướng mắc ở 3 hộ dân. Cụ thể, 1 hộ hiện nay UBND huyện Ba Vì đã lập xong phương án cưỡng chế; 2 hộ đã nhận tiền và ký biên bản bàn giao mặt bằng nhưng vẫn không đồng thuận và cản trở thi công.

Được biết, để bảo đảm tiến độ dự án, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có Văn bản số 798/SNN-QLXD ngày 26/3/2024 gửi UBND huyện Ba Vì về kế hoạch triển khai thi công tại các vị trí còn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nêu trên; đồng thời đề nghị UBND huyện Ba Vì phối hợp, triển khai thực hiện phương án đảm bảo an ninh để nhà thầu tổ chức thi công.

Liên quan đến khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp cho dự án, Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đinh Công Sơn cho biết, cuối tháng 3 vừa qua, các sở ngành của Hà Nội đã phối hợp khảo sát tại 4 mỏ đất đắp đã được cấp phép khai thác (2 mỏ của tỉnh Hòa Bình và 2 mỏ của tỉnh Phú Thọ). “Khi có nguồn đất đắp, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các nhà thầu đắp san mặt bằng để thi công hoàn thiện mặt cắt lòng dẫn theo thiết kế…” - ông Đinh Công Sơn thông tin thêm.

Cũng theo đại diện Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các nhà thầu tập trung đào, nạo vét lòng dẫn sông Tích các đoạn: K18+300 đến K20+242; K22+019 đến K26+185. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu, cống, trạm bơm còn lại, và thực hiện hoàn thành công tác điều chỉnh dự án để triển khai các hạng mục tiếp theo. 

 

Dự án tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4927/QĐ-UBND, với mục tiêu cung cấp nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho diện tích 16.000ha; cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất công nghiệp; cải tạo môi trường sinh thái và bảo đảm tiêu thoát nước, phòng chống lũ cho lưu vực…