Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Cân nhắc kỹ việc bỏ hay giữ HĐND cấp phường

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị giữa đoàn công tác của Ban Tổ chức Thành ủy và tổ soạn thảo Đề án “Thí điểm mô hình chính quyền đô thị TP Hà Nội” với lãnh đạo quận Đống Đa và các tổ chức đoàn thể xã hội, các phường do Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo chủ trì sáng nay (30/3), đã có khá nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc “nên bỏ hay không bỏ hội đồng nhân dân (HĐND) cấp phường”.

Thể hiện vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân

Trao đổi về vấn đề tổ chức bộ máy khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) tại TP, riêng trong một buổi sáng đã ghi nhận rất nhiều ý kiến từ đại diện các tổ chức đoàn thể quận, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường…
Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo phát biểu tại Hội nghị.

Đáng chú ý, xung quanh câu hỏi có nên bỏ HĐND cấp phường, bà Nguyễn Thanh Yên-Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND phường Trung Tự nhận định: Dù còn nhiều bất cập, một số lĩnh vực hoạt động còn hình thức, chưa thực quyền, song HĐND cấp phường thời gian qua đã thể hiện là cầu nối, người đại diện giữa Đảng-chính quyền với Nhân dân, đại diện cho ý chí, quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở. Vì vậy, để HĐND phường khắc phục được những hạn chế bất cập và tiếp tục hoạt động hiệu quả, nếu xây dựng mô hình CQĐT thì đề nghị vẫn tiếp tục hoạt động của HĐND cấp phường, trong đó: Tăng thẩm quyền trách nhiệm cho HĐND phường (nhất là xem xét quyết định những vấn đề quan trọng như kinh tế-xã hội, ngân sách, xây dựng cơ bản); tinh gọn bộ máy hoạt động của HĐND, tăng số đại biểu (ĐB) chuyên trách trưởng, phó các ban của HĐND phường. Đặc biệt, cần coi trọng tiêu chuẩn ĐB HĐND cấp phường vì họ có điều kiện gần dân, sát dân nhất, nên cần có tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ dám làm và phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực công tác và nhất là trình độ chuyên môn tương xứng đáp ứng yêu cầu công việc (nhất là trưởng, phó các ban của HĐND). Đồng thời, đồng chí Chủ tịch HĐND phải là Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy, bố trí Phó Chủ tịch chuyên trách HĐND phải đủ năng lực trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

“Nếu theo phương án không tổ chức HĐND cấp phường thì sẽ làm xáo trộn bộ máy quản lý nhà nước ở địa phương, mất đi vai trò kiểm soát, giám sát trong tổ chức; hoạt động của chính quyền không phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền. Đặc biệt, sẽ làm mất đi vai trò đại diện cho ý chí nguyện vọng của Nhân dân”, bà Yên nêu rõ.

Đồng quan điểm này, một số ĐB khác cũng cho rằng, thời gian qua, HĐND tại nhiều phường đã thực hiện tốt Luật Chính quyền địa phương, nghị quyết của Đảng ủy, đã tổ chức tốt các kỳ họp, trực tiếp công dân, tham gia giải quyết đơn thư… HĐND phường cũng phối hợp với MTTQ thực hiện được vai trò giám sát, tổ chức tiếp xúc cử tri ngày càng nâng cao, có chất lượng và hiệu quả. Nhất là sang nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND cấp phường đã có thêm 2 ban Pháp chế và Kinh tế-Xã hội, bước đầu hoạt động đã góp hần giúp HĐND ban hành nghị quyết thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền. Thường trực và các ban HĐND phường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện giám sát các vấn đề của phường tốt hơn, số cuộc giám sát nhiều hơn, giám sát kỹ hơn về các chuyên đề như công tác thu-chi tài chính, xây dựng cơ bản, thực hiện bảo đảm an sinh xã hội.

Xem lại chất lượng đại biểu HĐND phường

Trái với những ý kiến đề xuất duy trì HĐND phường, nhiều người lại cho rằng, trong nhiều nhiệm kỳ qua, hiệu quả hoạt động thực tế của HĐND phường chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định pháp luật, nhất là chưa thực sự phát huy được vai trò, năng lực trên cả hai nhiệm vụ: Ban hành nghị quyết và giám sát theo quy định của pháp luật, phản ánh kiến nghị của cử tri. Nên, một số cuộc họp của HĐND phường còn có phần hình thức, với hiệu quả chất vấn, giám sát, tiếp dân chưa cao, trong đó có nguyên nhân nể nang, ngại va chạm. Với quan điểm này, Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch HĐND phường Khương Thượng Vương Thế Dương đề nghị nghiên cứu không nhất thiết tổ chức HĐND cấp phường (chính quyền địa phương chỉ có UBND). Khi đó, việc kiểm soát quyền lực được thực hiện thông qua cấp ủy đảng, chính quyền cấp trên và phát huy dân chủ, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội cùng cấp - như vậy vẫn đáp ứng yêu cầu dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Ông Đinh Nguyên Mạnh-Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND phường Thổ Quan cũng nhận xét: Có những nội dung hoạt động của HĐND phường còn hình thức, chất lượng không cao, trước hết do chất lượng ĐB. Tại phường Thổ Quan có tổng số 27 ĐB HĐND, trong đó chỉ 1 ĐB hoạt động chuyên trách, có 7 ĐB là công chức, và tới 20 ĐB là hưu trí, tuổi cao, sức khỏe hạn chế. Do phần lớn ĐB là cán bộ hưu trí và kiêm nhiệm nên thiếu kinh nghiệm, ngại và không có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, văn bản…, do đó chất lượng các kỳ họp, chất vấn rất hạn chế.

“Theo cá nhân tôi, nên thí điểm bỏ HĐND cấp phường. Nếu như vậy, quyền giám sát cần được chuyển toàn bộ cho MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội phường; đồng thời, cấp trên có quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh chủ tịch và phó chủ tịch UBND phường. Song song với đó, cần tăng số lượng và nâng cao vai trò trách nhiệm của ĐB HĐND cấp quận, TP phụ trách, theo dõi, giám sát hoạt động địa bàn theo quận và cụm phường”, ông Mạnh đề nghị.

Bày tỏ quan điểm xây dựng thí điểm CQĐT không tổ chức HĐND phường cũng là một bước đi phù hợp, song Bí thư Đảng ủy-Chủ tịch HĐND phường Láng Hạ Nguyễn Hoài Nam cho rằng cần làm ở những nơi có điều kiện. Tuy nhiên khi đó, phải có cơ chế rõ ràng để đảm bảo phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. “Để phát huy vai trò giám sát, dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, xây dựng nhà nước do dân và vì dân, cần tăng cường hơn nữa vai trò giám sát của MTTQ để phát huy dân chủ, cầu nối giữa Đảng và Nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền”, ông Nam nêu rõ.

“Tổ công tác sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến từ lãnh đạo các quận, thị xã, phường, xã, chủ yếu xoay quanh các bất cập, khó khăn, vướng mắc trong mô hình tổ chức chính quyền hiện nay, với nhiều ý kiến trái chiều, để tiếp tục nghiên cứu, làm cơ sở xây dựng Đề án, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định. Qua khảo sát tại một số quận, thị xã cho thấy, những vấn đề được quan tâm nhất là: Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng trong CQĐT và mối quan hệ theo chức năng, nhiệm vụ; tổ chức bộ máy trong đó có HĐND phường và quận…" -Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo