Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thông qua phân cấp quản lý Nhà nước với 16 lĩnh vực

Hà Thanh - D.Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/8, với tỷ lệ 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân cấp quản lý Nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.

Các lĩnh vực thực hiện phân cấp quản lý trong Quy định này gồm: Việc phân cấp quản lý được thực hiện trong 16 lĩnh vực; các nội dung công việc, công đoạn của quá trình quản lý như: Đầu tư, quản lý sau đầu tư và quản lý các nội dung khác có liên quan đều được quy định cụ thể trong từng lĩnh vực. 

16 lĩnh vực gồm: Đường bộ; chiếu sáng công cộng; công viên, vườn hoa, cây xanh; thoát nước đô thị; xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; bến, bãi đỗ xe, vận tải hành khách; cấp nước sạch; thủy lợi; đê điều; lâm nghiệp; thông tin truyền thông; giáo dục đào tạo, dạy nghề; văn hóa - thể thao, du lịch; y tế; nghĩa trang, tang lễ.
Hà Nội thông qua phân cấp quản lý Nhà nước với 16 lĩnh vực - Ảnh 1
TP quản lý toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn 12 quận, các thị trấn thuộc các huyện, các phường thuộc thị xã Sơn Tây.
Một số thay đổi cụ thể trong phân cấp quản lý Nhà nước  theo quy định mới như: TP không quản lý hè mà giao cấp huyện quản lý toàn bộ hè đường trên địa bàn.

TP quản lý toàn bộ hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn 12 quận, các thị trấn thuộc các huyện, các phường thuộc thị xã Sơn Tây.

Trong quản lý cây xanh, TP quản lý, bao gồm cả việc chặt hạ, duy trì, chăm sóc, cắt tỉa, trồng bổ sung, thay thế cây xanh trên địa bàn 12 quận, các thị trấn thuộc các huyện, các phường thuộc thị xã Sơn Tây và cây xanh trên các đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường trên cao do TP quản lý đi qua địa bàn 18 huyện và thị xã Sơn Tây để bảo đảm đồng bộ mỹ quan đô thị Thủ đô.

TP quản lý, duy trì vệ sinh môi trường trên các đường cao tốc, còn lại giao cấp huyện quản lý, duy trì vệ sinh môi trường trong toàn bộ phạm vi địa giới hành chính.

TP thống nhất quản lý các khu xử lý rác thải, bãi chôn lấp rác thải, đất thải tập trung trên đại bàn.

Cấp huyện (trừ 4 quận nội đô) được phân cấp quản lý một số bãi đỗ xe tập trung gắn với các tuyến đường do cấp huyện quản lý đầu tư.

Bỏ phân cấp cho cấp huyện quản lý hoạt động đối với bến khách ngang các sông vừa và nhỏ, bến dân sinh thuộc địa giới hành chính của quận, huyện, thị xã.

Bổ sung quy định TP đầu tư tu bổ các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng kháng chiến do cấp huyện quản lý; hỗ trợ đầu tư tu bổ các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý.

Trình bày báo cáo thẩm tra của HĐND TP, bà Phạm Thanh Mai - Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách của HĐND TP cho biết, các Ban thống nhất với mục tiêu phân cấp như UBND TP trình, nhấn mạnh mục tiêu phân cấp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trên cơ sở thực hiện phân cấp hợp lý, rõ ràng.

Các Ban thống nhất và nhấn mạnh thêm nguyên tắc: Trách nhiệm, quyền hạn của cấp chính quyền nào thì cấp đó phải làm; cấp nào làm tốt hơn, kịp thời phục vụ Nhân dân thì giao cấp đó thực hiện; đảm bảo công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát sau phân cấp; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện phân cấp của chính quyền cấp dưới.

Trong điều kiện hiện nay, các Ban thống nhất như đề nghị của UBND TP trước mắt xác định phạm vi phân cấp quản lý nhà nước giữa chính quyền cấp Thành phố với cấp huyện gồm 16 lĩnh vực, trong đó 10 lĩnh vực liên quan đến hạ tầng kỹ thuật - kinh tế, 6 lĩnh vực liên quan đến văn hóa - xã hội. Những nội dung UBND TP phân cấp cho cấp huyện đều thuộc thẩm quyền của Thành phố. Các quy định cụ thể về phân cấp quản lý trong từng lĩnh vực phù hợp với các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Thảo luận về các vấn đề trên, đại biểu (ĐB) Đỗ Thùy Dương (Cầu Giấy), băn khoăn trong lĩnh vực dạy nghề và giáo dục nghề nghiệp. Trong những năm tới, nhiệm vụ đào tạo dạy nghề vô cùng quan trọng, mà ở các cấp quận, huyện khó đầu tư được các trường dạy nghề quy mô, chuyên nghiệp, đáp ứng được năng lực cạnh tranh của TP trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Thực tiễn, nhiều đơn vị dạy nghề đầu tư ở cấp quận huyện khó phát triển về quy mô cũng như chiều sâu. Do vậy, công tác tuyển sinh khó khăn, ngành nghề không đa dạng, chưa có được những ngành mới mà Thành phố đang ưu tiên như công nghệ, dịch vụ, du lịch... Do vậy, ĐB Dương đề nghị TP nghiên cứu thêm về vấn đề này.

ĐB Lê Thế Cương đề nghị, trong việc đầu tư xây dựng các trường THPT nên tùy theo điều kiện để giao nhiệm vụ cho Ban quản lý cấp Thành phố hay cấp các quận, huyện thực hiện. Ví dụ, khi BQL dự án của sở GD&ĐT xây dựng 1 trường THPT gặp không ít khó khăn về GPMB, giám sát, thiết kế thi công và triển khai xây dựng. Vì vậy, trong thời gian qua, Sở GD&ĐT đã cố gắng phối hợp với các quận, huyện để các quận, huyện đầu tư.

Về việc lắp trạm BTS, theo phân cấp TP sẽ lắp đặt các trạm BTS. Như vậy, số lượng lắp đặt lớn, trách nhiệm cao, nhưng số lượng cán bộ rất mỏng mà việc cấp trạm BTS rất nhạy cảm, phức tạp, chỉ có các quận, huyện mới nắm bắt được các vấn đề. Do vậy, với trạm BTS nên chăng xây dựng 1 mạng lưới quy hoạch BTS sau đó, Thành phố phê duyệt quy hoạch này và giao cho các quận, huyện căn cứ vào các quy hoạch để cấp phép các trạm BTS với sự đồng ý của Sở TT&TT và UBND TP thì sẽ thuận lợi hơn.

ĐB Nguyễn Hoài Nam (Thạch Thất) giải thích thêm, theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, việc phân cấp là do HĐND thực hiện, thẩm quyền của HĐND. 

Nhưng HĐND không thể đi vào vấn đề chi tiết, cụ thể mà ban hành nguyên tắc, mục tiêu lĩnh vực chung, giao trách nhiệm UBND cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND bằng danh mục cụ thể. Trong quá trình thực hiện, HĐND giám sát. Nếu trong quá trình thực hiện phân cấp có phát sinh vấn đề thì bàn với Thường trực báo cáo kỳ họp sau.

Trách nhiệm trong phân cấp là của cấp TP, nhưng kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nếu giao được cho cấp huyện tổ chức thực hiện sẽ nhanh hơn, thuận lợi hơn thì Thành phố giao cho quận, huyện. 

Làm rõ các nội dung đại biểu kiến nghị, ông Nguyễn Văn Tứ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, về khung thời gian Nghị quyết phân cấp mới có hiệu lực, rút kinh nghiệm của 2 kỳ phân cấp trước đây, trong quá trình thực hiện, Thành phố vẫn “mềm dẻo” theo nguyên tắc ủy quyền, tức bất cứ khi nào cần có sự phân cấp mới thì hoàn toàn có thể thay thế được.

Về quản lý cấp phép các trạm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm. Trong dự thảo Nghị quyết phân cấp đã đưa quản lý cấp phép các trạm BTS về thành phố quản lý. Trên cơ sở đó, Thành phố sẽ chỉ đạo có cơ chế, đề án, phương án đưa công nghệ quản lý hiện đại, tập trung để việc quản lý cấp phép các trạm BTS nhanh, hiệu quả và chính xác hơn.