Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về quản lý phương tiện giao thông

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Kế hoạch số 212/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của TP về việc thông qua Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030".

Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP Hà Nội theo đúng tính thần Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của HĐND TP; phân công rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện các giải pháp của Đề án đối với các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan đảm bảo thiết thực, hiệu quả; làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện.
Hành khách lên xe buýt nhanh BRT tại bến Thành Công. Ảnh: Phạm Hùng
Kế hoạch yêu cầu các cấp, các ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn trên địa bàn TP phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân để hiểu đúng, hiểu rõ mục đích yêu cầu của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND ngày 4/7/2017 của HĐND TP Hà Nội và nội dung của Đề án. Các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã được phân công căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình hành động, kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra.
Đối vói những nhiệm vụ trọng tâm, UBND TP Hà Nội xác định thành các kế hoạch, chương trình, đề án để xây dựng và triển khai thực hiện cụ thể như: Xây dựng đề án mở rộng, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch số lượng và phạm vi hoạt động xe taxi và các loại hình kinh doanh vận tải tương tự như taxi. Đề án điều chỉnh giờ học tập, giờ làm việc và kinh doanh dịch vụ trên địa bàn TP. Đề án giao thông thông minh tập trung vào những nội dung cụ thể: Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến, cơ sở dữ liệu (số hóa) về hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, các phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông. Đề án phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ. Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn TP. Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Lập kế hoạch điều tra, rà soát, thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng trên địa bàn TP (theo năm sản xuất) thông qua đăng ký, để đề xuất các biện pháp xử lý đối với xe không đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Phương án hỗ trợ chuyển việc làm đảm bảo đời sống đối với thương binh có xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người đang hoạt động khi tiến hành dừng hoạt động.

Phương án hỗ trợ, khuyến khích đối với người sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho các nhóm đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đối tượng cán bộ công chức, viên chức, người lao động để thu hút nâng cao tỷ lệ sử dụng vận tải hành khách công cộng góp phần giảm phương tiện giao thông cá nhân.

Sở Giao thông vận tải là cơ quan thường trực có trách nhiệm tham mưu cho UBND TP chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án.