Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường làng nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội đã yêu cầu sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện kết luận kiểm tra về bảo vệ môi trường làng nghề của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) làng nghề trên địa bàn thành phố, Tổng cục Môi trường đề nghị UBND thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, UBND quận, huyện, phường, xã trên địa bàn tập trung nguồn lực tổ chức thực hiện tốt các quyết định đã được phê duyệt, có tiêu chí đánh giá hiệu quả theo từng mốc thời gian nhất định, đặc biệt kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường.

UBND thành phố chỉ đạo quyết liệt và giao trách nhiệm cho 1 cơ quan đầu mối để chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện xử lý dứt điểm các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Việc lập phương án di dời các cơ sở thuộc nhóm ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cần lưu ý tới khả năng tách riêng hoạt động sản xuất ra khỏi hoạt động sinh hoạt thông thường. Trước mắt cần tập trung quyết liệt vào các nhóm ngành cơ kim khí, giết mổ và tái chế… Đối với các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về BVMT, đặc biệt lưu ý các hạng mục công trình xử lý chất thải.

Phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường, các nguồn kinh phí khác và đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải và BVMT cho các phường, xã, quận, huyện có làng nghề truyền thống để thực hiện công tác BVMT làng nghề. Ưu tiên lựa chọn các làng nghề truyền thống để thực hiện chính sách khuyến công, khuyến nông, Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, CTMTQG nông thôn mới, CTMTQG khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường...

Để sử dụng có hiệu quả nguồn lực hiện nay, việc triển khai các dự án, nhiệm vụ về BVMT làng nghề cần có sự tham gia, phối hợp và thống nhất giữa các cơ quan liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã cũng như cộng đồng làng nghề trong quá trình lựa chọn công nghệ, bố trí kinh phí đối ứng và tổ chức thực hiện; đặc biệt cần lưu ý, tính toán phương án vận hành các hạng mục công trình xử lý chất thải sau khi kết thúc đầu tư.

Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí cán bộ chuyên trách về BVMT làng nghề tại Chi cục BVMT thành phố Hà Nội. Xem xét bố trí cán bộ chuyên trách về BVMT cho các phường, xã có làng nghề truyền thống và làng nghề hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng để tăng cường triển khai công tác BVMT làng nghề trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về BVMT làng nghề trên địa bàn để UBND cấp huyện, cấp xã hiểu rõ thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác BVMT làng nghề, để các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề biết và thực hiện.

Đảm bảo các làng nghề được công nhận phải đáp ứng được các điều kiện về BVMT. Đối với làng nghề đã được công nhận nhưng chưa đáp ứng được các quy định, lập kế hoạch để khắc phục hoặc xem xét, loại bỏ ra khỏi danh mục làng nghề của địa phương…