Bày tỏ đồng tình cao với các nội dung báo cáo tổng kết 2018, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đánh giá, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, từ đó giúp các địa phương trong đó có Hà Nội xây dựng kế hoạch hành động ngay từ những ngày đầu tháng đầu. Và với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị đã tạo động lực mới để thúc đẩy phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế xã hội, củng cố vĩ mô, ổn định lạm phát.
Bộ KH&ĐT cũng chủ trì cùng các bộ, ngành xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch đầu tư công năm 2018; thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo kết quả tăng trưởng cao trong năm 2018. Kết quả năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm qua, 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch.
Với TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, năm 2018, Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 01, các chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời xây dựng và thực hiện Chương trình hành động số 34 ngay từ ngày đầu tháng đầu năm, đạt được kết quả toàn diện, tích cực trong các lĩnh vực KT-XH, góp phần vào thành tựu chung của cả nước. Bộ KH&ĐT đã ban hành khung chính sách kinh tế Việt Nam, giúp các tỉnh, TP xây dựng bổ sung các chương trình phát kinh tế xã hội trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn 2035.
Nhìn lại năm 2018, cùng với cả nước, Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện về kinh tế xã hội góp phần vào thắng lợi của cả nước. Hà Nội hoàn thành toàn diện 20/20 chỉ tiêu, trong đó, có 8 chỉ tiêu vượt kế hoạch, có 3 chỉ tiêu hoàn thành trước 2 năm so với Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. GRDP tăng 7,61% (cách tính cũ 8,73%), trong đó dịch vụ tăng 7,58%, kim ngạch xuất tăng 21,6%. Khách du lịch đạt 26,4 triệu lượt (tăng 10,4%), trong đó, khách quốc tế đạt 6,05 triệu lượt (vượt trước kế hoạch 5 năm).
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 244.375 tỷ đồng, vượt 2,5% dự toán, tăng 15%. Số DN thành lập mới là 25.187 với số vốn đăng ký 392,87 nghìn tỷ đồng (tăng 3% về số lượng DN và 84% về vốn đăng ký). Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,18%; Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch khu vực nông thôn đạt 55,5%; Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,16%; (năm 2019 phấn đấu trên địa bàn Hà Nội không còn hộ nghèo nào), đồng thời 2018 xây 4.162 căn nhà cho người nghèo; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 86,5%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng cao; nhiều kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến được đưa vào chẩn đoán và điều trị bệnh; an sinh xã hội được đảm bảo; trật tự và xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến; Cải cách hành chính chuyển biến rõ nét; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Đặc biệt, lãnh đạo Hà Nội cũng bày tỏ những tích cực của Bộ KH&ĐT đã đồng hành cùng với các địa phương và TP Hà Nội trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, cắt giảm các thủ tục, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, phát triển DN. Hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, trong đó có Hà Nội, chuẩn bị và trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư có quy mô lớn trên địa bàn đảm bảo quy định của pháp luật.
“Vào tháng 6 hàng năm, Hà Nội đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, riêng năm 2018 Hà Nội đã thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch. Nguồn vốn FDI của Hà Nội đạt 7,5 tỷ USD cao nhất trong vòng 30 năm qua”- Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chia sẻ.
Đặc biệt, lãnh đạo Hà Nội cũng đồng tình với các cơ chế chính sách thực hiện kêu gọi xã hội hóa, các dự án mà đầu tư tư nhân có thể thực hiện được góp phần phát triển kinh tế, giảm bớt áp lực cho ngân sách. Cũng theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đang kêu gọi chuyển đổi sang đầu tư tư nhân. Ví như, toàn bộ hạ ngầm cáp viễn thông từ trước tới nay mỗi năm TP phải chi 1.000 - 2.000 tỷ đồng ngân sách nhưng đến nay đã có 5 tập đoàn là Viettel, FPT, EVN, CMC và VNPT đã bỏ ra 5.000 tỷ đầu tư vào toàn bộ hạ ngầm hệ thống cáp trên. Hà Nội cũng kêu gọi đầu tư tư nhân vào nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư của các dự án trên địa bàn. Riêng lĩnh vực này, Hà Nội đã kêu gọi được số vốn 40.000 tỷ đồng.
Với những mặt tích cực trên, Hà Nội kiến nghị Trung ương và các bộ ngành tiếp tục tái cơ cấu đưa lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển trở thành động lực. “Trong 3 năm vừa qua, tỷ lệ thu trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tăng từ 46,2% lên 52,8%. Số DN tư nhân đăng ký mới thành lập trên địa bàn tăng gần 75.000 DN” - lãnh đạo Hà Nội dẫn chứng đồng thời cho rằng, cần có chính sách chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể (trên địa bàn Hà Nội có hơn 290.000 hộ cá thể) có cơ chế hỗ trợ trong đào tạo, quản lý, trong lĩnh vực kế toán… “Nếu chuyển đổi có tính chất hỗ trợ như vậy sẽ có rất nhiều các DN nhỏ và vừa đi vào vận hành đóng góp thêm nguồn thu cho ngân sách” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Hà Nội cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo kết nối với một số nước tiên tiến trên thế giới, từ đó có thể kết nối đưa ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam ra thị trường thế giới. Xây dựng các Quỹ đầu tư mạo hiểm từ đó kêu gọi nguồn lực từ trong nước và quốc tế. Hiện, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bước đầu cho ra mắt Cổng hệ sinh thái Starupcity.vn. Đến nay có gần 800 DN khởi nghiệp trên địa bàn và cả nước có trung tâm khởi nghiệp quốc tế tham gia vào Cổng sinh thái khởi nghiệp trên, bước đầu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tạo cho các công ty tư nhân, cá nhân tham gia vào khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Và nếu làm tốt kết nối với các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với các nước trên thế giới các ý tưởng của thanh niên Việt Nam có thể trở thành một thương mại rất lớn.
Một vấn đề nữa liên quan đến thu hút nguồn lực xã hội, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị sớm có những hướng dẫn tháo gỡ khó khăn theo hình thức đối tác công tư (PPP); hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư PPP, làm sao kêu gọi được nguồn vốn này cho phát triển hạ tầng.
Cuối cùng, Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn giúp Hà Nội và các địa phương về việc giải ngân vốn vay ODA theo tiến độ thực hiện dự án và hiệp định vay vốn đã ký kết. “Tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc trong giải quyết các thủ tục đầu tư với những dự án đặc thù để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư”- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị.