Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tích cực thu hút nguồn lực cho đầu tư phát triển

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong 8 tháng năm 2017, Hà Nội đã thu hút 1,74 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số lượng DN thành lập mới tăng 14%, gần 2.500 DN “hồi sinh”...

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN, đặc biệt là khối DN nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển của UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đang tạo luồng gió mới cho sự phát triển của DN. Thông điệp mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội đưa ra trong thời gian tới là tiếp tục tìm các giải pháp hỗ trợ khối DN này.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị “Hà Nội 2017 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Ảnh: Thanh Hải

Thu hút 1,74 tỷ USD vốn FDI

Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND TP Hà Nội cho thấy, đến cuối tháng 8, toàn TP tiếp nhận 114 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, tổng số vốn đăng ký 70.694 tỷ đồng; 22 dự án hợp tác công - tư (PPP), tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng; thu hút 1,74 tỷ USD vốn FDI. Số lượng DN thành lập mới tăng 14% lên con số 16.714 DN, số vốn đăng ký 129.266 tỷ đồng (tăng 4%); có 177 DN giải thể và 2.497 DN hoạt động trở lại. Tính chung toàn TP hiện có 223.905 DN, đăng ký kinh doanh qua mạng 8 tháng đạt khoảng 93.600 hồ sơ, chiếm 72%.
Sản xuất kinh doanh trong 8 tháng tiếp tục phát triển. Tính chung 8 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8%, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 7,624 tỷ USD, tăng 8,5%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 19.263 triệu USD, tăng 21,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 1,34% so tháng trước, tăng 3,49% so tháng 8/2016, tăng 0,54% so thời điểm cuối năm 2016. Lượng khách quốc tế đến lưu trú trong 8 tháng qua đạt 2.338 nghìn lượt, tăng 22,7% cùng kỳ. Khách nội địa đến Hà Nội đạt 6.538 nghìn lượt, tăng 4,6% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 39.962 tỷ đồng, tăng 9% so cùng kỳ…

Các tháng cuối năm, Hà Nội tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Cụ thể, các Sở, ngành thực hiện các giải pháp kích cầu tiêu dùng; Trao đổi, kết nối cung cầu hàng hóa với các địa phương, khuyến khích xuất khẩu gắn với quản lý tốt thị trường trong nước; Tăng cường quản lý VSATTP, nhất là trong dịp Tết Trung thu; Đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy định và mẫu logo nhận diện cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn; Hệ thống cảnh báo về ATTP… Ngoài ra, các hợp tác, liên kết phát triển các sản phẩm du lịch của Thủ đô cũng được tăng cường.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc dẫn đầu Đoàn công tác của TP Hà Nội thăm, làm việc với TP Cape Town, Nam Phi.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ DNNVV

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 8 của UBND TP Hà Nội, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung yêu cầu các đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch hỗ trợ DNNVV. Cụ thể, rà soát lại tất cả kế hoạch thanh, kiểm tra để không trùng lắp, gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Chủ tịch yêu cầu Sở KH&ĐT khẩn trương xây dựng kế hoạch hỗ trợ DNNVV. “Tôi đơn cử, ở Đức, hơn 93% DN có quy mô dưới 100 lao động. Động lực phát triển của họ có phần đóng góp lớn của khối DN này. Hay tại Nhật Bản, đất nước này khắc phục hậu quả sau động đất, sóng thần nhanh hơn nhiều nước khác, một phần nhờ khối DNNVV. Khối DN này sử dụng lao động quy mô, ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào chuỗi cung ứng rất tốt... Nói vậy để thấy vai trò của các DNNVV. Chúng ta cần hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để họ phát triển và có nhiều đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội TP” - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, Chủ tịch yêu cầu Cục Thuế TP Hà Nội đôn đốc việc thu thuế nợ đọng, đặc biệt với DN nợ đọng sử dụng đất. Trong tháng 9, Hà Nội sẽ có các cuộc làm việc với từng nhóm DN để lắng nghe và có biện pháp tháo gỡ với các DN nợ thuế này. Ngoài ra, các tháng cuối năm, sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030; đồng thời đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn. Tháo gỡ về thủ tục cho các nhà đầu tư, chú trọng các dự án đầu tư lớn nguồn vốn cả trong và ngoài nước có khả năng cấp phép trong năm 2017. Đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa 16 DN; sắp xếp 3 DN; thoái vốn 96 DN.

Thu ngân sách tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2016

Tổng thu NSNN trên địa bàn Hà Nội 8 tháng đầu năm ước đạt 129.886 tỷ đồng, bằng 63,4% dự toán, tăng 11,3% so cùng kỳ năm 2016. Trong đó, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 11.824 tỷ đồng, đạt 68,7% dự toán; thu từ dầu thô 2.550 tỷ đồng, đạt 141,6% dự toán; thu nội địa 115.512 tỷ đồng, đạt 62,2% dự toán.
Thị trường tài chính ổn định

Tín dụng ngân hàng phát triển tốt; huy động vốn tăng 8,4% và dư nợ tăng 11,7% so với thời điểm cuối năm 2016. Tỷ lệ cho vay đầu tư chiếm 22,1%; nợ quá hạn chiếm 2,8% tổng dư nợ. Trên thị trường chứng khoán, tính đến hết ngày 15/8, trên cả hai sàn HNX và Upcom do Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội quản lý có 990 DN niêm yết với giá trị niêm yết đạt 321,7 nghìn tỷ đồng, tăng 34,1% so đầu năm.
Quản lý thị trường xử lý buôn lậu, gian lận thương mại gần 86,4 tỷ đồng

Trong tháng 8, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 739 vụ, xử lý 677 vụ. Tổng số tiền xử lý hơn 8,4 tỷ đồng, trong đó phạt hành chính gần 4,2 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu gần 1,8 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy gần 2,4 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 6.359 vụ, xử lý 5.893 vụ. Tổng số tiền xử lý gần 86,4 tỷ đồng, trong đó, phạt hành chính gần 37 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu hơn 23,2 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy hơn 25,3 tỷ đồng.
Giải ngân vốn đầu tư phát triển chuyển biến tích cực

Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, 8 tháng năm 2017, các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước được triển khai quyết liệt. Theo đó, vốn giải ngân thực hiện đến hết tháng 8 bằng 41,9% kế hoạch và đạt 43,17% kế hoạch giao đầu năm.

Cụ thể, theo báo cáo kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2016 của UBND TP Hà Nội, chi ngân sách địa phương 8 tháng đầu năm ước thực hiện 36.117 tỷ đồng, đạt 46,4% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 14.540 tỷ đồng; chi thường xuyên 21.577 tỷ đồng. Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư NSNN, vốn giải ngân thực hiện hết tháng 8 đạt 14.439 tỷ đồng, bằng 41,9% kế hoạch (43,17% kế hoạch giao đầu năm).

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội và các cơ quan liên quan đã tạo mọi điều kiện tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, cố gắng bố trí vốn đầu tư cho các Dự án đầu tư công. “Sở KH&ĐT và các địa phương, các Ban quản lý Dự án đã chủ động rà soát kỹ với những Dự án chưa giải ngân được để điều hòa lượng vốn trong các Ban” - ông Quyền thông tin. Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đôn đốc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng; tập trung hoàn thiện thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án khởi công mới giai đoạn 2017 - 2020 theo đúng yêu cầu, tiến độ.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở KH&ĐT đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư phát triển. “Các Ban quản lý Dự án của TP cố gắng rà soát lại các vướng mắc khó khăn để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy công tác giải ngân vốn. Ngoài ra, các quận huyện phải tăng cường giải phóng mặt bằng, dự án có triển khai thì tiến độ giải ngân mới nhanh được” - Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu.
 

Cộng đồng DN đánh giá cao Hà Nội về chất lượng lao động và dịch vụ hỗ trợ DN. Việc tiếp cận thông tin của DN tại Hà Nội đã có những cải thiện nhất định, cùng với nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đang tạo những chuyển biến tích cực, theo hướng tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều DN hội viên trong Hiệp hội đang gặp quá nhiều khó khăn khi xin cấp phép mặt bằng đất đai để đầu tư sản xuất. Việc tiếp cận vốn cũng còn nhiều khó khăn khi 80% DN khó tiếp cận được nguồn vốn do DN không đủ điều kiện về tài sản thế chấp hoặc không đáp ứng thủ tục, quy trình vay vốn của các tổ chức tín dụng do quy mô nhỏ và hạn chế. Ngoài ra, cán bộ tại bộ phận một cửa cần bố trí người am hiểu về chuyên môn nhằm tăng tính chuyên nghiệp và đặc biệt là sự tận tâm. Họ phải là những cán bộ có khả năng giải quyết các ý kiến, kiến nghị chứ không hẳn là bộ phận giúp việc.

Hà Thị Thu Thanh

Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội (HNEW)
 

Hội DN Trẻ Hà Nội đã và đang hỗ trợ, khuyến khích các DN trẻ Thủ đô và phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và các Hội DN trẻ địa phương giúp đỡ các doanh nhân trẻ tham gia tích cực và hiệu quả vào quá trình hội nhập toàn cầu. TP cần quan tâm hỗ trợ kinh phí đào tạo nâng cao năng lực quản lý cho DNNVV. Cùng với đó, DNNVV mong muốn TP hỗ trợ tiếp cận với DN lớn nước ngoài để được lựa chọn trở thành DN vệ tinh, sản xuất công nghiệp phụ trợ cho DN nước ngoài. Vì là DN nhỏ nên những DN này không có điều kiện tiếp cận DN nước ngoài.

Ông Thân Đức Việt

Phó Tổng Giám đốc Công ty May 10