Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử: Tăng nhiều ứng dụng thiết thực với người dân

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những kết quả khả quan trong triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để xây dựng chính quyền điện tử, năm 2018 TP Hà Nội tiếp tục đề ra những mục tiêu cụ thể.

Xây dựng cơ sở dữ liệu cốt lõi

Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành; Trung tâm Dữ liệu Nhà nước Hà Nội tiếp tục được duy trì, nâng cấp, mở rộng và có phương án dự phòng. Đó là những mục tiêu được TP Hà Nội đặt ra cho năm 2018. Trong đó, tiếp tục duy trì, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi gồm: Dân cư, đất đai, DN, tài chính, bảo hiểm; các hệ thống thông tin trong các ngành: giao thông vận tải, giáo dục, y tế, tư pháp, du lịch… 100% UBND các xã, phường, thị trấn được triển khai hệ thống hội nghị truyền hình (giao ban, họp trực tuyến) kết nối với UBND TP và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng.
TP cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong phục vụ người dân và DN, với con số cần đạt đến là tối thiểu 50% số lượng các gói thầu chào hàng cạnh tranh, 40% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng. 55% TTHC của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4. Đặc biệt, 100% các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn được triển khai đồng bộ hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp kết nối hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 thống nhất toàn TP. Cùng với đó, triển khai một số thành phần cơ bản của Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội, hệ thống giao thông, du lịch thông minh.

Đáng chú ý, Hà Nội tiếp tục triển khai, lắp đặt thí điểm thiết bị thông minh tại các hộ gia đình phục vụ công tác thông tin cơ sở; triển khai thí điểm biên lai điện tử tại một số cơ quan thu phí tiến tới triển khai diện rộng hình thức này tại các cơ quan thu phí đối với dịch vụ hành chính công trên địa bàn TP.

Nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến

Để nâng tỷ lệ DVCTT, theo Sở TT&TT, trong tháng 4/2018, Hà Nội sẽ hoàn thành thêm 296 DVCTT mức độ 3, 4 tích hợp với hệ thống "một cửa" điện tử dùng chung 3 cấp; đưa vào hoạt động thử nghiệm trong tháng 5/2018 và hoạt động chính thức trong tháng 6/2018; nâng tỷ lệ DVCTT mức độ 3, 4 lên 39%. Hoàn thành chuyển đổi các DVCTT mức độ 3, 4 đã triển khai sang hệ thống "một cửa" điện tử dùng chung 3 cấp trong tháng 5/2018. Sở TT&TT cũng đề xuất TP tiếp tục ban hành danh mục 300 DVCTT mức độ 3, 4 triển khai trong năm 2018 (trong đó có 260 DVCTT mức độ 3 và 40 DVCTT mức độ 4) với các điều kiện triển khai. Dự kiến đến hết năm 2018, TP sẽ có 1.053 DVCTT mức độ 3, 4 - đạt tỷ lệ 55% DVCTT mức độ 3, 4.

Từ mục tiêu đề ra, thời gian tới TP sẽ tăng việc đào tạo, hướng dẫn cho 100% DN, người dân có nhu cầu cung cấp DVCTT... Đồng thời, TP cũng triển khai thí điểm lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị CNTT để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT tại các khu vực chung cư, tổ dân phố tại các quận theo hình thức xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, sử dụng.

Công tác tuyên truyền cũng sẽ được triển khai đồng bộ, tích cực, tạo cầu nối để tạo nên những công dân điện tử, thiết lập việc giao tiếp giữa công dân với chính quyền điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng, tránh lãng phí xã hội, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính và từng bước hiện đại hóa nền hành chính từ cơ sở.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần