Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/4, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm “Ðánh giá kết quả Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công TP Hà Nội năm 2016 và giai đoạn 2011 - 2016 - Một số giải pháp cải thiện”.

Chỉ số “Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam” (PAPI) là công cụ phản ánh tiếng nói người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là sản phẩm hợp tác nghiên cứu từ năm 2009 đến nay giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển - Hỗ trợ cộng đồng (Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.
 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Bình phát biểu
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội Nguyễn Thanh Bình khẳng định: Viện sẽ tổng hợp những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học tại buổi Tọa đàm này để cung cấp thông tin, kiến nghị với lãnh đạo TP một số giải pháp nhằm chỉ đạo, điều hành nâng cao chỉ số PAPI của Thủ đô thời gian tới, với mục đích cuối cùng là xây dựng một chính quyền năng động, tiên phong, phục vụ người dân, DN tốt hơn.

Báo cáo PAPI 2016 giới thiệu kết quả khảo sát toàn quốc lần thứ 6, được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu định lượng với quy mô mẫu khảo sát năm 2016 là 14.063 người dân, chọn ngẫu nhiên đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ 63 tỉnh, TP cả nước, tham gia trả lời phỏng vấn trực tiếp để chia sẻ đánh giá về hiệu quả quản trị và hành chính công từ cấp chính quyền tỉnh đến cấp xã. Hà Nội có 6 huyện/quận được chọn khảo sát.

Theo kết quả, năm 2016, Hà Nội nằm trong nhóm các tỉnh/TP có điểm các chỉ số PAPI thấp, cùng với Khánh Hòa, Quảng Ninh và Bình Dương - đều là những địa phương có điều kiện phát triển KT-XH. Cả 6 chỉ số nội dung của TP đều nằm trong nhóm trung bình thấp và thấp so với thang điểm tối đa là 10 điểm có thể đạt được.

So với năm 2015, chỉ số PAPI của Hà Nội năm 2016 có 4/6 chỉ số nội dung tăng điểm (gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, TTHC công, Cung ứng DVC), song vẫn giảm điểm so với năm 2015, chính là do nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” giảm mạnh nhất (xếp thứ 60/63) và tiếp đến là nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” (xếp thứ 58/63).

Từ khảo sát này, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội đề xuất 9 nhóm giải pháp cần thực hiện để cải thiện các chỉ số nội dung trong PAPI của Hà Nội trong thời gian tới. Trước hết, cần có sự chỉ đạo và vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở, trên cơ sở phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể Nhân dân trong tuyên truyền và phản biện xã hội.

Thứ hai, chỉ đạo làm tốt các quy định về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, đổi mới công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp, ngành, nhất là công tác tuyên truyền tại cơ sở.

Thứ ba, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc công tác bình xét hộ nghèo, công khai các vấn đề về danh sách hộ nghèo, thu chi ngân sách cấp xã, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Thứ tư, đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã trong giải quyết những vướng mắc của người dân, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo; tạo thuận lợi để người dân tham gia nhiều hơn vào xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển, cơ chế, chính sách; tăng đối thoại trực tiếp và thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân...

Thứ năm, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm; nâng cao tinh thần, trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ; xác định trách nhiệm của người đứng đầu qua kiểm tra công vụ; chống biểu hiện gây sách nhiễu Nhân dân…

Thứ sáu, thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh cho Nhân dân; nâng cao chất lượng hoạt động của bệnh viện tuyến huyện, chất lượng giáo dục, trong đó coi trọng giáo dục bậc mầm non, tiểu học; làm tốt xã hội hóa giáo dục.

Thứ bảy, tăng cường các biện pháp bảo đảm môi trường, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở các xã, phường, thị trấn; tập trung xử lý nghiêm các tệ nạn xã hội.

Thứ tám, tăng cường vai trò giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với các cấp chính quyền, tăng sự tương tác chính quyền - người dân.

Thứ chín, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác cải cách hành chính, trong đó tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” các cấp trong giải quyết TTHC cho người dân, DN.