Kinhtedothi - Tại Bảo tàng Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội”.
Mô hình phố Cổ, chợ Đồng Xuân trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Thông qua các hình ảnh, hiện vật, mô hình, trưng bày, chuyên đề giới thiệu đến Nhân dân và du khách nét đẹp văn hóa nghề, làng nghề, phố nghề truyền thống của Hà Nội. Đồng thời cho người xem hiểu sự sáng tạo, khéo tay, hay nghề của người Hà Nội tài hoa, thanh lịch, nhằm giáo dục ý thức gìn giữ và bảo vệ di sản văn hóa Hà Nội, như: Mô hình chợ Đồng Xuân, Phố cổ Hà Nội, không gian di tích thờ tổ nghề, các hiện vật gốm giả cổ, hiện vật rối nước, dụng cụ làm nghề giấy, nghề rèn... Nơi này cũng trưng bày các bộ tranh Hàng Trống, hình ảnh làm nghề của cha ông ngày xưa, ảnh Hà Nội cổ, hình ảnh nơi thờ các vị tổ nghề… Ban tổ chức cũng giới thiệu quy trình sản xuất gốm Bát Tràng do chính người dân Bát Tràng trình diễn thực tế. Đặc biệt, nơi trưng bày này được đặt trong không gian của khu nhà phục dựng theo mô hình nhà cổ Hà Nội, làm tăng thêm sự sinh động, hấp dẫn của hoạt động văn hóa này.
Tại Hoàng thành Thăng Long, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Các di sản thế giới ASEAN tại Hà Nội”. Triển lãm trưng bày những tác phẩm xuất sắc nhất của cuộc thi “Khám phá các di sản thế giới ở Việt Nam và các nước trong khối ASEAN” vừa được tổ chức. Tại đây đã giới thiệu 33 hình ảnh về các di sản thế giới của các nước khối ASEAN trong tổng số 161 tác phẩm gửi về dự thi. Qua các tác phẩm, có thể thấy được nhiều vấn đề liên quan đến thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản thế giới tại Việt Nam cũng như các nước trong khối ASEAN. Bên cạnh hoạt động Triển lãm, Ban tổ chức cũng triển khai thực hiện chương trình “Ngày hội di sản văn hóa phi vật thể và những Đại sứ trẻ” gồm 5 chương trình biểu diễn giới thiệu và hướng dẫn du khách trải nghiệm cùng các di sản văn hóa phi vật thể: Ca trù, Trống quân, Chèo truyền thống, Hát Xoan và dân ca Quan họ. Chương trình nhằm gửi đến cộng đồng thông điệp: Các di sản văn hoá của dân tộc luôn có sức sống mãnh liệt và bằng chứng cho sức sống ấy là sự tiếp nối, kế thừa của thế hệ trẻ Việt Nam. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 25/11.
Ban Quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng Ngày di sản văn hóa Việt Nam, tại đình Kim Ngân (42 – 44 Hàng Bạc). Chương trình giới thiệu và trình diễn nghề thủ công truyền thống các làng nghề xung quanh Hà Nội gắn với phố nghề và các nghệ nhân trong khu phố cổ Hà Nội. Đồng thời, tại đây cũng diễn ra triển lãm ảnh “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội” của nhiếp ảnh gia Lê Bích. Tiếp đó, tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, Ban tổ chức giới thiệu nghệ thuật trà của người Hà Nội do các nghệ nhân và Câu lạc bộ Ca trù Hà Nội thực hiện. Cũng trong chuỗi các hoạt động lần này, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ diễn ra triển lãm tranh “Phong cảnh Singapore” do các nghệ sĩ trẻ người Singapore thực hiện năm 2015 nhân dịp kỷ niệm thiết lập mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore. Ngày 23/11, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức lễ đón nhận bằng xếp dạng di tích cấp Quốc gia đình Phú Thị. Đây là nơi thờ ông tổ nghề thêu (Lê Công Hành) tại phố Yên Thái, phường Hàng Gai. Đình nằm trong quần thể di tích các đình thờ tổ nghề trong khu phố cổ Hà Nội gắn với các phố nghề và phố chuyên doanh Hàng Gai.
Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội tổ chức liên hoan các đội tế và dâng hương tại di tích đình và đền Sở Thượng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai. 17 đội Tế nam và Dâng hương nữ tham gia liên hoan. Cuộc liên hoan là dịp để các đội Tế nam và Dâng hương nữ ở các di tích và các chi hội di sản văn hóa gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập về nghi lễ tế và dâng hương trong các ngày lễ hội và các ngày giỗ Thần hoàng ở các đình, đền làng. Nghi thức buổi tế chia làm 4 giai đoạn: Nghênh thần, hiến lễ, ẩm phúc và thụ tộ, lễ tạ. Ngày 23/11, Hội Di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội tiến hành tổng kết và khen thưởng tại đền Sở Thượng.