Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội triển khai hồ sơ bệnh án điện tử: Gỡ khó để thúc tiến độ

Chi Lê (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo yêu cầu của Bộ Y tế, trong thời gian tới, sẽ thay thế bệnh án giấy bằng hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, Hà Nội quyết tâm triển khai sớm, tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám, chữa bệnh (KCB).

 Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà 
Bà có thể cho biết, ngành y tế Hà Nội đã và đang triển khai bệnh án điện tử thế nào?
- Chúng tôi đã thành lập ban chỉ đạo để triển khai thực hiện bệnh án điện tử tại các cơ sở y tế, các bệnh viện (BV) trên địa bàn. Sở Y tế đã khảo sát, đánh giá toàn bộ thực trạng các BV, sau đó sẽ dự toán về phương diện tài chính, cách thức thực hiện, xin ý kiến Bộ Y tế và UBND TP. Hiện, các BV đã có trang thiết bị, nhân sự về công nghệ CNTT và các yếu tố nhân lực khác. Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ mời những công ty phần mềm có danh tiếng, uy tín tư vấn và thực hiện đấu thầu, xây dựng bệnh án điện tử.
Trong quá trình triển khai, các cơ sở y tế có gặp khó khăn, vướng mắc gì không, thưa bà?
- Đây là lần đầu tiên ngành y tế Hà Nội triển khai bệnh án điện tử, vì vậy trong quá trình thực thi chắc chắn sẽ gặp những vướng mắc. Bệnh án điện tử yêu cầu tất cả các bác sĩ phải tiếp cận và làm việc được với hệ thống công nghệ, trong khi đó có một số bác sĩ tiếp cận với CNTT vẫn còn khó khăn.
Ngoài ra, hiện nay mỗi BV có một phần mềm quản lý khác nhau, cản trở việc kết nối giữa các đơn vị, giữa BV và Sở, Bộ Y tế. Bên cạnh đó, phần mềm tại các đơn vị chủ yếu là đi thuê của nhiều công ty CNTT, ứng dụng mới chỉ dừng lại ở từng đơn vị đáp ứng theo tiêu chuẩn đánh giá BV và thanh toán BHYT. Các ứng dụng CNTT được BV tập trung chủ yếu vào cổng giao tiếp điện tử của đơn vị, hạ tầng, thiết bị đầu cuối và phần mềm quản lý BV.
 Kiểm tra hồ sơ bệnh án tại bệnh viện Đa khoa Đống Đa.  Ảnh:  Thanh Hải
Đồng thời, việc thanh toán BHYT cho kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng cần phải thay đổi, bởi hiện nay vẫn áp dụng việc thanh toán khi có phim chụp chiếu, trong khi đó bệnh án điện tử sẽ sử dụng phần mềm lưu trữ, không in phim chụp.
Dường như quá nhiều khó khăn để Hà Nội có thể triển khai được bệnh án điện tử sớm nhất?
- Về yếu tố con người, chúng tôi đã tăng cường tổ chức tập huấn cho tất cả các bác sĩ. Nhiều đơn vị chủ động đi học tập tại các BV của TP Hồ Chí Minh – những nơi đã triển khai bệnh án điện tử, như BV Răng – Hàm – Mặt, BV quận Thủ Đức… Nhiều bác sĩ sau khi được tập huấn đã tiếp cận với CNTT rất tốt. Giám đốc các BV cũng phải đưa ra giải pháp để mọi nhân viên có thể sử dụng máy móc, phần mềm công nghệ.
Về hạ tầng CNTT, các BV cũng phải chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chung mà Bộ Y tế đưa ra. Những phần mềm lạc hậu hoặc quá khó khăn trong kết nối theo tiêu chuẩn chung thì BV phải thay đổi. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng cơ chế thanh toán BHYT khi làm bệnh án điện tử, đưa danh sách các BV thí điểm để Bộ Y tế làm việc cùng với các cơ quan bảo hiểm, thống nhất chi phí chi trả BHYT.
Hiện nay, yếu tố quan trọng để thực hiện bệnh án điện tử là chữ ký điện tử của bác sĩ. Song về mặt pháp lý, chữ ký điện tử của các bác sĩ vẫn chưa được công nhận, đây cũng là vướng mắc cần tháo gỡ, thưa bà?
- Với bệnh án điện tử, chúng ta bắt buộc phải có chữ ký điện tử của các bác sĩ. Hiện nay, Bộ Y tế đang tháo gỡ vấn đề này và chắc chắn phải có những buổi hội thảo để cùng các Sở Y tế tìm hướng khắc phục.
Hà Nội dự kiến sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại những đơn vị nào?
- Trước hết, Hà Nội sẽ thí điểm thực hiện từ 8 - 10 BV như: Đa khoa Đức Giang, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Ung bướu, Phụ Sản Hà Nội, Đống Đa, và một số BV hạng 2 khác. Thời gian triển khai cụ thể phụ thuộc vào việc khảo sát hiện trạng hạ tầng CNTT, dự toán kinh phí, nguồn ngân sách và quyết định phê duyệt của TP. Về phía Sở Y tế, sẽ cố gắng triển khai bệnh án điện tử trong thời gian sớm nhất, dự kiến quý II/2019. 
Xin cảm ơn bà!