Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Hà Nội Thái Hồ Phương cho biết, sau một thời gian dài chuẩn bị kỹ lưỡng, 3 tuyến buýt sử dụng nhiên liệu CNG đã có đủ điều kiện để triển khai hoạt động.
Cả 3 tuyến đều sử dụng xe có sức chứa 50 chỗ, do Công ty TNHH du lịch dịch vụ xây dựng Bảo Yến đầu tư, quản lý và khai thác. Tuyến CNG 01 Bến xe Mỹ Đình - Bến xe Sơn Tây và CNG 03 Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 - Khu đô thị Times City vận hành từ ngày 1/8; tuyến CNG 02 Bến xe Yên Nghĩa - Khu đô thị Đặng Xá vận hành từ ngày 9/8.
Tuyến CNG 01 có lộ trình: Bến xe Mỹ Đình - Phạm Hùng - Mễ Trì - Châu Văn Liêm - Đại lộ Thăng Long (đường gom) - Phượng Cách - Tỉnh lộ 421B - Tỉnh lộ 420 - Tỉnh lộ 419 - Quốc lộ 32 - Chùa Thông (Sơn Tây) - Bến xe Sơn Tây và ngược lại. Thời gian hoạt động từ 5 giờ - 20 giờ 30, tần suất 15 - 20 phút/lượt, giá vé 9.000 đồng/lượt, cự ly 42,3km.
Tuyến CNG 02 có lộ trình: Bến xe Yên Nghĩa - Quang Trung (Hà Đông) - Lê Trọng Tấn (Hà Đông) - đường Phúc La, Văn Phú - Cầu Bươu - Thanh Liệt - Cầu Dậu - Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng - Bến xe Giáp Bát - Giải Phóng - Kim Đồng - Tân Mai - Tam Trinh - Minh Khai - Cầu Vĩnh Tuy - Đàm Quang Trung - Chu Huy Mân - Trần Danh Tuyên - Sài Đồng - Nguyễn Đức Thuận - Khu đô thị Đặng Xá và ngược lại. Thời gian hoạt động từ 5 giờ - 21 giờ, tần suất 15 - 20 phút/lượt, giá vé 9.000 đồng/lượt, cự ly 35,65 km.
Tuyến CNG 03 có lộ trình: Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở II - KCN Bắc Thăng Long - Hoàng Sa - Phương Trạch - Đường 6 cây - Cầu Nhật Tân - Võ Chí Công - Bưởi - Đội Cấn - Liễu Giai - Kim Mã - Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn - Trần Hưng Đạo - Bà Triệu - Trần Khát Chân - Võ Thị Sau - Thanh Nhàn - Kim Ngưu - Cầu Mai Động - Minh Khai - KĐT Times City và ngược lại. Thời gian hoạt động từ 5 giờ - 21 giờ, tần suất 15 - 20 phút/lượt, giá vé 8.000 đồng/lượt, cự ly 29,55 km.
Ông Thái Hồ Phương thông tin thêm, CNG là khí thiên nhiên với thành phần chủ yếu là metane (CH4), được lấy từ những mỏ khí thiên nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao để tồn trữ. Do không có benzene và hydrocarbon thơm kèm theo nên khí đốt nhiên liệu này không phát sinh bụi, giải phóng rất ít khí độc (SO2, NO2, CO,…). Bởi vậy, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường.
Bên cạnh đó, do là khí nén nên trong quá trình vận chuyển nếu chẳng may có sơ suất, khí CNG thoát ra ngoài cũng sẽ không gây độc hại cho môi trường như một số loại nhiên liệu xăng, dầu hay nhiên liệu lỏng khác.
CNG còn có thêm vài ưu điểm điểm khác như giá thành rẻ hơn so với các loại nhiên liệu khác từ 10 - 30%. Nếu so với dầu FO, DO và LPG thì dùng CNG trong sản xuất có giá thành rẻ hơn 10 - 15%, dùng trong vận tải có giá rẻ hơn 30 - 40%. Vì thế, sử dụng loại nhiên liệu sạch này sẽ góp phần giảm được tối đa chi phí nhiên liệu.
Tính toán của một số nhà khoa học cho thấy, giá 1 tấn khí CNG khoảng 318 USD, chỉ bằng 53,5% giá xăng, 42% giá dầu. Mỗi xe buýt sử dụng CNG hoạt động 1 năm sẽ tiết kiệm 8.308 USD chi phí nhiên liệu so với dầu diezel.