Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 44 ổ dịch CGC (bao gồm 39 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do virus cúm A/H5N1) tại 14 tỉnh, TP. Cụ thể là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Dương và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, buộc tiêu hủy là 137.180 con.
Đến nay, đã có 4 tỉnh đã hết dịch CGC gồm: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Khánh Hóa và Bình Dương. Cả nước còn 20 ổ dịch CGC (bao gồm 18 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1) tại 10 tỉnh, TP là: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng, Hòa Bình và Hà Nam.
Quá trình giám sát dịch bệnh CGC cho thấy, tất cả các ổ dịch xảy ra tại các hộ chăn nuôi có đàn gia cầm chưa được tiêm phòng; đặc biệt trên các đàn vịt của các hộ mới chuyển sang nuôi gia cầm (trước đó nuôi lợn).
Sau khi phát hiện dịch bệnh CGC bùng phát, chính quyền và cơ quan chuyên môn đã xử lý tiêu hủy toàn bộ đàn gia cầm bị bệnh, dương tính với virus CGC, chưa có hiện tượng lây lan rộng.
Bên cạnh đó, tổ chức sát trùng bằng vôi bột, phun hóa chất; khoanh vùng và lập các chốt kiểm dịch tạm thời để chống dịch; tiêm phòng bao vây ổ dịch và tiêm phòng các đàn gia cầm có nguy cơ cao.
Ngoài ra, virus gây bệnh CGC tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay thuộc nhánh H5N1 2.3.2.1c (chủ yếu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) và H5N6 2.3.4.4h, 2.3.4.4f, 2.3.4.4g (phân bố tại nhiều vùng trong cả nước). Phân tích các đặc tính sinh học phân tử cho thấy không có sự biến đổi lớn, có tính đặc hiệu với thụ thể bám trên gia cầm. Hiện nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9.