Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Việc thực hiện “Dân là gốc” đóng góp tích cực công cuộc đổi mới

Trần Long - Ảnh: Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 26/10, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương nghiên cứu đề tài trọng điểm cấp Quốc gia "Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” và vấn đề phát huy sức mạnh Nhân dân, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới" đã khảo sát tại Thành uỷ Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng - Trưởng Đoàn khảo sát và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà…

Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại cuộc khảo sát.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại cuộc khảo sát.

Vai trò, vị trí trung tâm của Nhân dân được khẳng định

Trong báo cáo tại cuộc khảo sát, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn cho biết, quan điểm “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của các cấp uỷ Đảng. Dưới sự lãnh đạo đó, công tác điều hành của chính quyền và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị TP Hà Nội đã phát huy hiệu quả.

Vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển Thủ đô nói riêng và trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung đã được khẳng định. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về việc phát huy sức mạnh Nhân dân, phát huy dân chủ và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực.

Các cấp ủy đã tập trung lãnh đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị các cấp; tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân; sự đồng thuận của Nhân dân đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng cao. Đồng thời, đóng góp tích cực vào những thành tựu to lớn, toàn diện trong công cuộc đổi mới của Thủ đô và đất nước.

Cụ thể, kinh tế TP phát triển nhanh, bền vững. Giai đoạn 2011-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,83%/năm (gấp 1,15 lần mức tăng chung của cả nước). Chất lượng đời sống Nhân dân ngày càng được nâng cao; an sinh xã hội được đảm bảo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Hà Nội giảm còn 0,16%.

Hà Nội với hơn 1000 năm văn hiến, ngày càng khẳng định vai trò trung tâm lớn về văn hóa của cả nước, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thực sự là một trong những biểu tượng của văn hóa Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Trong đó, truyền thống đoàn kết, nhân ái, nghĩa tình, thủy chung chính là chuẩn mực và trở thành một nét đẹp văn hóa của người Hà Nội.

Thành ủy tập trung chỉ đạo các cấp chính quyền tăng cường tiếp xúc, đối thoại với công dân. Từ năm 2016-2021, các cơ quan, đơn vị của TP đã tiếp trên 243.240 lượt công dân, giải quyết trên 96.749 đơn các loại và chuyển cơ quan điều tra 28 vụ việc. Số lượng khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP đã giảm rõ rệt.

Trong những năm gần đây, toàn TP đã tiếp nhận đăng ký, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” với tổng số tiền trên 303 tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ vận động được, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 7.637 Nhà đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho 10.476 người nghèo.

Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn trình bày báo cáo tại cuộc khảo sát.
Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn trình bày báo cáo tại cuộc khảo sát.

Ngoài ra, đồng chí Bí thư Thành ủy đã tổ chức đối thoại với đại biểu MTTQ, đại biểu nông dân, phụ nữ, đoàn viên, thanh niên; ủy quyền cho đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy chủ trì cuộc đối thoại với đại biểu nông dân TP. Đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các đồng chí Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết.

Hàng năm, trên địa bàn TP có 100% đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức; trên 75% đơn vị doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. 100% các cơ quan Nhà nước đều xây dựng quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. 100% trụ sở của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, đơn vị đã đặt hòm thư và thường xuyên bố trí bộ phận, cán bộ tiếp nhận, xử lý đơn, thư của công dân…

Bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” là đề tài lớn, quan trọng

Phát biểu tại cuộc khảo sát, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cảm ơn Đoàn khảo sát đã chọn Hà Nội là 1 trong 10 tỉnh, thành phố trong cả nước để khảo sát xây dựng đề tài. Khẳng định bài học “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm” là đề tài lớn, quan trọng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cho biết, từ khi thành lập Đảng bộ TP đến nay và gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong nhiệm kỳ vừa qua, TP rất quan tâm vấn đề này.

Thực hiện chủ trương trên, TP luôn hướng tới người dân. Cụ thể, trong các nhiệm kỳ qua, các Nghị quyết của Trung ương đều được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa bằng các chương trình công tác cụ thể. Trong đó, có các chương trình về xây dựng đảng, nông thôn mới, quản lý và phát triển đô thị... đưa chủ trương của Đảng vào thực hiện trong thực tiễn và nâng cao đời sống của Nhân dân.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

TP đã tập trung thực hiện 3 Chương trình mục tiêu của Trung ương về xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và chương trình dân tộc miền núi. Đến nay, kinh tế phát triển và có sự chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng dịch vụ du lịch; an sinh xã hội được quan tâm, nhất là chế độ an sinh cho người dân hậu Covid-19. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Biểu hiện qua một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế qua các nhiệm kỳ và hàng năm, năm 2022, tăng trưởng đạt kinh tế của TP đạt 8,89% (gấp 1,5 lần bình quân chung cả nước); thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng/người/năm; lệ hộ nghèo giảm từ trên 10% (năm 2008) đến nay còn 0,19%, không còn còn hộ đói.

Phát biểu kết luận cuộc khảo sát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng cảm ơn Thành ủy Hà Nội và các cơ quan chức năng đã có sự chuẩn bị kỹ, nhiều ý kiến cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho đoàn khảo sát. Đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo, chuyên gia, các nhà khoa học trên địa bàn TP đóng góp cho Đề tài…