Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Ngô Đình Giang cho biết, vụ Mùa 2020, Trung tâm hỗ trợ các địa phương triển khai sản xuất hơn 1.000 ha lúa Japonica, nâng tổng số diện tích lúa Japonica trên địa bàn TP lên 7.000ha.
Quang cảnh hội nghị. |
Xác định công tác tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt để phát triển sản xuất lúa, gạo Japonica được bền vững, ngay từ đầu năm 2020 Trung tâm đã phối hợp với các phòng Kinh tế các huyện kết nối các DN vào ký kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hợp tác xã (HTX). Đến nay, đã có 3 DN cam kết tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica cho nông dân, HTX.
Theo kế hoạch, trong năm 2020, Hà Nội sẽ xây dựng 2 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica cho 2 HTX, gồm: HTX nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ (liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam) và HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ).
Các HTX được hỗ trợ 100% bao bì (túi đựng gạo); 100% kinh phí tập huấn cho người sản xuất theo hướng hữu cơ; 100%kinh phí tuyên truyền xây dựng thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng...
“Từ thành công của việc xây dựng 2 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica sẽ làm tiền đề nhân rộng ra các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu trên địa bàn TP” - ông Giang nhấn mạnh.
Cán bộ Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá năng suất, chất lượng giống lúa Japonica tại huyện Thường Tín |
Tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã (HTX), DN, phòng Kinh tế các huyện đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện sản xuất - tiêu thụ sản phẩm lúa gạo Japonica trong thời gian qua.
Đồng thời, đề xuất những kiến nghị với Sở NN&PTNT Hà Nội, các sở ban ngành TP tiếp tục quan tâm và có cơ chế hỗ trợ để mở rộng diện tích sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm lúa gạo Japonica trong thời gian tới.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Khôi chia sẻ, chỉ tính riêng vụ mùa 2020, huyện Ứng Hòa đã gieo cấy khoảng 3.500ha lúa Japonica, dự kiến sản lượng lên tới vài chục ngàn tấn.
Trong khi đó, trên địa bàn huyện mới chỉ có 1 đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm lúa, gạo Japonica dẫn tới nhiều vùng sản xuất, nông dân vẫn phải tự tiêu thụ tự do trên thị trường. Vì vậy, việc liên kết giữa nông dân với DN trong sản xuất - tiêu thụ lúa Japonica cần tiếp tục được đẩy mạnh.
Đồng quan điểm, nhiều đại diện các HTX, lãnh đạo các đơn vị, địa phương cho rằng, hiện nay việc sản xuất lúa Japonica tại các địa phương khá thuận lợi, diện tích tăng nhanh qua các vụ do đây là bộ giống lúa có nhiều ưu việt. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica tại các vùng sản xuất vẫn còn lỏng lẻo, khó khăn.