Hà Nội: Xây dựng phương án lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất khi Covid-19 diễn biến phức tạp

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ban Thường vụ Liên đoàn lao động TP Hà Nội yêu cầu Công đoàn các Khu CN&CX Hà Nội nắm chắc cư trú, di biến động đồng thời chủ động phối hợp chủ đầu tư, người sử dụng lao động trong các khu, cụm công nghiệp xây dựng phương án, kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất.

Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Hà Nội Nguyễn Phi Thường vừa ký ban hành văn bản về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trong công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô.
Theo đó, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động TP đề nghị các cấp Công đoàn Thủ đô quán triệt thực hiện nghiêm túc theo tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 15/CĐ-CTUBND ngày 18/7/2021 về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước và Phương án 162/PA-UBND ngày 12/7/2021 về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các KCN, CCN, cơ sở SXKD trên địa bàn TP Hà Nội của UBND TP.
Trong đó, yêu cầu đặc biệt nâng cao ý thức trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong tổ chức Công đoàn Thủ đô và lưu ý đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi cán bộ, đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô hãy là một chiến sĩ, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch của TP. Trước mắt, thực hiện nghiêm các biện pháp không tụ tập đông người, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết như đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, nhà máy, cơ sở SXKD dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động, mua lương thực, thực phẩm, thuốc men và các trường hợp khẩn cấp khác. Đồng thời, thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; khai báo y tế thường xuyên trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone khi ra ngoài; tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hạn chế tối đa việc di chuyển từ Hà Nội đến các tỉnh, TP khác và ngược lại.
Riêng với công nhân, người lao động (NLĐ) lưu trú trên địa bàn TP và NLĐ từ các tỉnh, TP khác tại các KCN, CCN, cơ sở SXKD trên địa bàn TP và vùng lân cận, phải đăng ký với chính quyền địa phương (nơi có công nhân, NLĐ, chuyên gia cư trú; nơi có trụ sở các nhà máy, xí nghiệp, cơ quan…) đăng ký xe đưa đón hằng ngày, cam kết thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch tại nơi lưu trú, trong quá trình di chuyển và nơi làm việc.
Công nhân Công ty TNHH MTV dệt kim Đông Xuân trong giờ sản xuất  
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Liên đoàn lao động TP yêu cầu các Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi tập trung đông CNLĐ làm việc tại các DN trong các KCN, KCX chủ động tham gia, phối hợp chính quyền, chuyên môn đồng cấp trong xây dựng các phương án cụ thể; thực hiện  tốt “4 tại chỗ” trong công tác phòng chống dịch; đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của đoàn viên, NLĐ trên địa bàn, đặc biệt tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa. Đồng thời, phối hợp UBND quận, huyện, thị xã; Phòng LĐ-TB&XH và các cơ quan liên quan triển khai ngay các biện pháp hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/QĐ-TTg; tăng cường công tác vận động các tổ chức, DN và đoàn viên, CNVCLĐ ủng hộ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch tại địa phương.
Đặc biệt, yêu cầu Công đoàn các Khu CN&CX Hà Nội chủ động phối hợp UBND và Liên đoàn lao động các quận, huyện, thị xã; Ban quản lý các Khu CN&CX Hà Nội và các đơn vị liên quan tổng hợp số lượng lao động sinh sống và làm việc tại KCN, CCN trên địa bàn TP thường xuyên làm việc tại các KCN, CCN trên địa bàn các tỉnh khác (nhất là các địa phương đang ghi nhận nhiều ca lây nhiễm); nắm chắc cư trú, di biến động đồng thời chủ động phối hợp chủ đầu tư, người sử dụng lao động trong các KCN, CCN căn cứ Phương án 162/PA-UBND để xây dựng phương án, kịch bản duy trì sản xuất trong trường hợp nhà máy bị phong tỏa, cách ly, lấy nhà máy là nơi cách ly và ổn định sản xuất.
Cùng đó, cần tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc tuân thủ công tác phòng, chống dịch của DN trong đó đặc biệt quan tâm phối hợp người sử dụng lao động làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ NLĐ thuộc diện cách ly tập trung tại DN do có ca mắc mới trong thời gian qua; tham gia giám sát quản lý các hoạt động đưa đón, di chuyển hàng ngày của CNVCLĐ đảm bảo an toàn trong công tác phòng chống dịch, không để phát sinh ca nhiễm.
Bên cạnh đó, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trong hệ thống Công đoàn Thủ đô tùy theo điều kiện, tình hình thực tế bố trí cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ phù hợp; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch; hạn chế tối đa việc di chuyển ra khỏi TP (trường hợp đi công tác ra khỏi TP phải báo cáo thủ trưởng); tạm dừng tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra chưa cần thiết; tạm dừng công tác tiếp dân trực tiếp tại trụ sở cơ quan, đơn vị. Chủ động xây dựng phương án làm việc 50% trực tuyến, chia ca; các cơ quan, đơn vị thuộc Liên đoàn lao động TP bố trí không quá 1/2 số cán bộ, công chức, NLĐ sử dụng công nghệ thông tin, làm việc tại nhà với các nhiệm vụ được phân công; hạn chế tối đa họp trực tiếp, chỉ tổ chức họp khi đảm bảo khoảng cách, tăng cường hoạt động trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành.
Ban Thường vụ Liên đoàn lao động TP cũng giao Ban Chính sách Pháp luật - Liên đoàn lao động TP tham mưu Thường trực, Ban Thường vụ LĐLĐ TP chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Khu CN&CX Hà Nội, Sở Công thương, Sở LĐ-TB&XH tham mưu UBND TP hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách cho NLĐ, các cơ sở SXKD, DN, KCN, CCN trong thời gian nghỉ, các cơ sở SXKD, DN, KCN dừng hoạt động do dịch bệnh; tham gia phối hợp xác minh thông tin của NLĐ trong các cơ sở SXKD, DN, KCN, CCN để phục vụ cho công tác điều tra dịch tễ.