Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố. |
Phát biểu tại điểm cầu quận Hoàn Kiếm, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, tính đến 16h ngày 1/8 đã xét nghiệm cho 2.327 người (đạt tỷ lệ 99, 1%), trong đó 2.309 test nhanh và 18 mẫu PCR. Tất cả đều có kết quả âm tính.
Hiện quận Hoàn Kiếm đang chỉ đạo tiếp tục tuyên truyền vận động những người đi về từ vùng dịch chủ động khai báo để xét nghiệm, tự cách ly tại nhà...
Tại quận Hoàn Kiếm, từ 0h ngày 1/8, tất cả nhà hàng, cơ sở bar, karaoke đều đóng cửa để phòng chống dịch.
Chủ tịch quận Nam Từ Liêm Trần Đức Hoạt cho biết người về từ Đà Nẵng, Quảng Nam quận ghi nhận 3.855 người, có tăng hơn 1.550 người so với hôm qua. Quận đã cho xét nghiệm 3.690 trường hợp, còn phải tiếp tục thực hiện test nhanh với 165 trường hợp.
Ông Hoạt kiến nghị, hiện lượng người về từ Đà Nẵng khai báo tăng lên, quận đề nghị CDC Hà Nội cung cấp thêm test xét nghiệm. Còn tại quận Cầu Giấy có 3.823 trường hợp từ Đà Nẵng về, quận đã xét nghiệm 3.300 trường hợp, hiện nay cũng đã hết test nhanh. Quận còn 523 trường hợp chờ xét nghiệm nốt, lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cũng đề nghị CDC sớm cung cấp test nhanh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp |
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin, quận có 3.400 trường hợp từ Đà Nẵng về, đã test 3.187 trường hợp cho kết quả âm tính. Còn 200 trường hợp vẫn đang đăng ký, thiếu khoảng hơn 100 test.
Tin vui bước đầu nhưng chưa thể yên tâm, không được phép chủ quan
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang phức tạp, số lượng người mắc bệnh tăng cao gần 300.000 người/ngày, và mỗi ngày 6.000 – 7.000 người tử vong. “Với tốc độ như hiện nay chỉ khoảng 3 ngày có thêm một triệu người mắc bệnh”, Chủ tịch UBND TP nhận định.Chủ tịch TP cũng thông tin, qua rà soát ban đầu (con số chưa chính thức) cho thấy, trong tháng 7 có khoảng một triệu người qua lại Quảng Nam – Đà Nẵng; trong 3 tuần qua có khoảng 40.000 người đến các bệnh viện tại Đà Nẵng; các hàng quán xung quanh bệnh viện có dấu hiệu bị lây lan...
Tại Hà Nội, đến 1/8, Thành phố rà soát có trên 72.000 người đến Đà Nẵng. Điều này chứng tỏ qua phương tiện thông tin truyền thông người dân đã tự giác chấp hành, tự giác khai báo y tế. "Thực tế 2 ca bệnh tại Hà Nội là do người dân tự giác đến cơ sở y tế xét nghiệm, điều này cho thấy công tác tuyên truyền là quan trọng nhất hiện nay", Chủ tịch TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá cao các đơn vị từ Thành phố đến quận huyện đã thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, rà soát khẩn trương, tích cực người từ Đà Nẵng về, tổ chức xét nghiệm với tinh thần nhanh chóng. Đến nay đã xét nghiệm được gần 50.000 trường hợp; rà soát 127 trường hợp F1 với các bệnh nhân tại Hà Nội... kết quả đều âm tính, tuy nhiên chủ tịch UBND TP nói rõ: “Đây là tin vui bước đầu, thể hiện việc Hà Nội tốc lực trong công tác xét nghiệm để phát hiện nhanh, cách ly kịp thời. Tuy nhiên,với trường hợp bệnh nhân 76 tuổi, cụ về từ ngày 25/7, đến nay 6 ngày. Những người tiếp xúc với bệnh nhân sau 12 – 13 ngày xét nghiệm lại một lần nữa, lúc đó mới yên tâm”, Chủ tịch chia sẻ.
Nhận định diễn biến thời tiết hiện nay có mưa ẩm, nhiệt độ giảm, Chủ tịch TP Hà Nội cho rằng thời tiết này có thể việc lây lan dịch bệnh càng dễ, vì vậy người dân cần tiếp tục theo dõi sức khỏe, kịp thời phát hiện các biểu hiện ho, sốt, khó thở để thông tin các cơ sở y tế tổ chức theo dõi, xét nghiệm.
Chủ tịch UBND TP nêu rõ, việc test nhanh phát hiện kháng thể chỉ là kết quả đánh giá ban đầu. Những trường hợp âm tính ban đầu chưa phải là yên tâm 100% mà vẫn phải tiếp tục cách ly, tự theo dõi sức khỏe, khi có biểu hiện sốt, ho phải báo ngay cơ sở y tế để lấy mẫu xét nghiệm PCR.
Chủ tịch UBND TP chỉ rõ, bài học thực tế hiện nay, môi trường bệnh viện vẫn là nơi nguy hiểm nhất vì vậy tất cả các cơ sở y tế trên địa bản cả của Trung ương và Hà Nội cần phải thực hiện đúng quy trình phòng chống dịch như: phân luồng bệnh nhân, có nước khử khuẩn,đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, xác minh, khai báo y tế với các bệnh nhân. Các bệnh viện có các khoa mà bệnh nhân có bệnh nền nặng thì không cho đông người thân vào thăm…
Yêu cầu các đơn vị tiếp tục xét nghiệm nhanh ở các quận huyện, nhưng cần xác định rõ người về từ vùng dịch về mới test nhanh; ưu tiên những người về từ ngày 12, 15/7 trở lại đây bởi số test nhanh của Hà Nội hiện nay đã phát 78.000/80.000. Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Y tế liên hệ với Bộ Y tế để khẩn trương mua thêm 20.000 bộ kít nữa phục vụ việc test nhanh.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp |
“Cố gắng phấn đấu đến trong 2/8 phải xong test nhanh COVID-19. Các đơn vị cần làm việc kể cả buổi tối nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch cũng như cần tuyên truyền để người dân chủ động khai báo y tế khi về từ vùng dịch hoặc có dấu hiệu ho sốt, khó thở phải liên hệ ngay với các cơ sở y tế”, Chủ tịch UBND TP yêu cầu.
Nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống dịch bệnh: “Trong thời kỳ phòng bệnh làm bao nhiêu cũng cảm thấy nhiều nhưng sau đó, nếu có ca bệnh vẫn không thấy sự chuẩn bị là đủ”.
Chủ tịch UBND TP chỉ rõ nguy cơ của Hà Nội khi có số người già đông nhất cả nước (chiếm 19% dân số); số lượng trẻ em đông; 2,2 triệu học sinh; mật độ dân cư đông; là trung tâm giao thông, việc đi lại phức tạp...
Do vậy, Chủ tịch yêu cầu việc mọi người tự giác phòng chống dịch là quan trọng số 1, các đơn vị phải nỗ lực, phấn đấu không để dịch bệnh lây lan.