Đây là vụ án đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa có tổ chức, quy mô lớn nhất miền Bắc trong vòng vài năm trở lại đây. Theo cáo trạng, vào hồi 13 giờ ngày 14/3/2013, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt quả tang vụ đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa tại một lán tre thuộc xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, bắt giữ 68 đối tượng. Tại hiện trường, cơ quan công an thu giữ hơn 600 triệu đồng, 26 túi xách cá nhân đựng hơn 500 triệu đồng, một súng ngắn kèm hộp đạn 6 viên và nhiều dụng cụ dùng để đánh bạc. Khám xét nơi ở của “trùm” sới bạc Nguyễn Văn Tú ở xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, lực lượng công an thu giữ 1,3 tỷ đồng, 7.000 USD, một súng ngắn bên trong có sẵn 5 viên đạn, 20 dao quắm... Theo phân công, Lê Xuân Hưởng, tức Hưởng "đồng cô" là người "làm cái," Đặng Bá Hòa làm nhiệm vụ xóc cái, Nguyễn Bá Tấn (sinh năm 1979, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thu tiền “phế,” bảo vệ sới bạc và làm “hồ lỳ.” Cơ quan công an làm rõ, sới bạc "khủng" này hoạt động từ ngày 15/2/2013, mỗi ngày tổ chức chơi 2 ca. Các đối tượng bố trí 2 xe ôtô và xe ôm để đưa đón các đối tượng đến đánh bạc từ ngoài cầu xây trên Quốc lộ 2 vào sới bạc. Các "con bạc" muốn nhập sới phải nộp 500.000 đồng/ca. “Trùm” sới bạc đã cho lập lán, trại và bố trí lực lượng cảnh giới vòng trong, vòng ngoài để các “con bạc” thuận tiện đánh bạc. Trong sới bạc, sau khi Hòa thực hiện việc xóc cái, các con bạc đặt tiền vào cửa chẵn hoặc lẻ. Hưởng là người làm nhiệm vụ "cân" tiền (điều phối tiền đặt cửa của các con bạc) để lượng tiền đặt cược hai bên chẵn, lẻ bằng nhau. Sau khi “cân” tiền, nhà cái hoặc người đánh bạc sẽ mở bát, nếu kết quả về cửa chẵn thì các đối tượng “hồ lỳ” sẽ làm nhiệm vụ thu tiền của các đối tượng đánh bạc đặt vào cửa lẻ để trả cho các đối tượng đánh bạc đặt vào cửa chẵn và ngược lại. Theo quy ước, mỗi lần đặt cửa chẵn hoặc cửa lẻ, các “con bạc” phải đặt tối thiểu 500.000 đồng. Cơ quan điều tra xác định, đây là vụ tổ chức đánh bạc và đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa có quy mô lớn, do Tú và Hưởng là người đứng ra tổ chức, điều hành. Hiện Tú, Hưởng đều đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra tách hồ sơ, khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử lần này có bà Lương Thị Trang (72 tuổi, quê ở Hưng Yên) là mẹ vợ của Khánh “trắng.” Bà Trang có tiền án, tiền sự dày đặc về hành vi đánh bạc bị xử lý. Liên tục các năm 1980, 1985, 1986, 2007, bà Trang bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc và gá bạc. Vào các năm 1978, 1989, 1993, bà Trang đều bị xử phạt 6 tháng tù về tội Đánh bạc. Gần đây nhất, vào ngày 19/3 vừa qua, bà Trang bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Ninh xử phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Đánh bạc. Chiều 19/6, sau khi xem xét, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Tấn mức án 30 tháng tù giam về tội Đánh bạc, 24 tháng tù giam về tội Tổ chức đánh bạc, tổng hợp hình phạt là 54 tháng tù giam. Bị cáo Hòa bị phạt 24 tháng tù về tội Tổ chức đánh bạc. Có 22 bị cáo nhận mức án tù treo, còn lại các bị cáo khác phải chịu mức án từ 15-30 tháng tù giam. Riêng bị cáo Lương Thị Trang phải nhận mức án 28 tháng tù giam.