Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội xóa dần định kiến “không vội được đâu”

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vừa được xếp thứ 8/10 TP năng động nhất thế giới theo Chỉ số động lực TP (CMI) của JLL năm 2017.

Với 42 biến số phản ánh sức mạnh các thay đổi ngắn hạn, tính bền vững kinh tế dài hạn, bao gồm các yếu tố như GDP, dân số, hành khách hàng không, số công ty và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); Bất động sản thương mại; Khả năng đổi mới và sức mạnh công nghệ, quyền tiếp cận giáo dục, chất lượng môi trường kinh doanh khuyến khích các công ty khởi nghiệp và các ứng dụng mới chuẩn bị cho tương lai.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm 2016 là 14/63, tăng 10 bậc so với năm 2015, lần đầu tiên vượt ngưỡng 60 điểm, bước vào nhóm có chất lượng điều hành Tốt. Hà Nội vừa được Bộ Tài chính trao giải Nhất trong khối các cơ quan tài chính địa phương về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành tài chính năm 2016 (Giải ICT Index ngành tài chính năm 2016). Đây là năm thứ ba liên tiếp, Hà Nội đạt được kết quả này.

Giải quyết thủ tục Đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp tại Sở KH&ĐT Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Môi trường đầu tư trên địa bàn ngày càng được cải thiện cùng với quá trình liên tục và quyết liệt phòng chống tham nhũng, khuyến khích khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; tăng số lượng thủ tục hành chính (TTHC) đăng ký qua mạng, chủ động rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định và minh bạch hóa các thủ tục quản lý các nhà đầu tư, DN. Hiện, 100% hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả theo hình thức dịch vụ công mức 4 đối với thủ tục đăng ký mã số đơn vị quan hệ ngân sách và sẽ mở rộng tiếp trong năm 2017 cho 2 dịch vụ công là đăng ký và kê khai giá. Ngoài ra, 12 TTHC đã được triển khai đăng ký qua mạng miễn phí cho DN (gồm: thay đổi thông tin người quản lý DN; nội dung đăng ký thuế; bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký DN…). Thời gian giải quyết một hồ sơ đăng ký DN được rút ngắn còn 2 ngày và thời gian để nhận kết quả chỉ thực hiện trong 2 giờ làm việc, kể từ khi cán bộ thụ lý nhận đủ hồ sơ của DN.
Hướng tới doanh nghiệp, nhà đầu tư
Năm 2017 được TP Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương, hành chính”. TP đã thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho DN, hoạt động thường xuyên, liên tục và hiệu quả, trong đó có các vấn đề về tiếp cận vốn, đất đai, thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ. TP cũng  thành lập tổ công tác đặc biệt đại diện cho chuyên viên các sở tại bộ phận một cửa, tiếp nhận các kiến nghị và giải quyết trong một lần cho DN, với mục tiêu yêu cầu của DN sẽ được giải quyết trong một tuần.
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7166/QĐ-UBND về kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức tìm hiểu, tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng, chống rủi ro pháp lý cho DN, giúp DN kinh doanh có hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh của DN, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với DN.
Theo Chương trình số 80/CTr-UBND về Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội năm 2017, Hà Nội đang và sẽ tập trung kêu gọi các dự án có quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; phấn đấu 80% hồ sơ đăng ký DN được giao dịch qua mạng điện tử; thực hiện thí điểm cấp đăng ký đầu tư qua mạng điện tử; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án mới theo hình thức xã hội hóa, hợp tác công - tư (PPP); phấn đấu thu hút trên 3 tỷ USD vốn FDI cả năm 2017. Theo mô hình thí điểm, thời gian thực hiện việc cấp phép tại Hà Nội sẽ rút ngắn từ 20% - 60% so với quy định hiện hành, nhất là các thủ tục trong các lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng; đảm bảo thời gian nộp thuế tối đa là 110 giờ/năm; tỷ lệ kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 95%; tỷ lệ người hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp 80%; Giảm thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày.
Các DN trên địa bàn TP Hà Nội còn được hỗ trợ tư vấn, đào tạo, tập huấn kiến thức về chiến lược xây dựng và phát triển các thương hiệu DN hoặc thương hiệu sản phẩm; đặt tên, thiết kế logo hoặc hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu DN hoặc thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ DN xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 14.000 và ISO 22.000.
Về tổng thể, để tạo hấp dẫn thu hút vốn đầu tư, nhất là từ các tập đoàn trong top 500 công ty xuyên quốc gia (TNC) hàng đầu thế giới và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong nước, cấp đăng ký thành lập mới 200.000 DN giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã, đang và sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện, cải thiện chỉ số cải cách hành chính (PAR index), chỉ số quản trị hành chính công (PAPI), phấn đấu đến năm 2020 nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số PCI; phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tăng tỷ lệ giải quyết TTHC qua mạng về đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, đất đai; Công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, toàn bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để DN, người dân dễ dàng tiếp cận, đồng thời tăng cường tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho DN; Thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với DN; phát triển vườn ươm DN; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; trung tâm công nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu của cả nước, từng bước trở thành trung tâm mạnh về công nghiệp phần mềm, nội dung số và công nghiệp phần cứng trong khu vực.
Kết quả từ những nỗ lực
Bên cạnh tạo thuận lợi cho DN, Hà Nội cũng kiên quyết nói không với những dự án gây ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng và tài nguyên; kiên trì và linh hoạt trong định hướng, hỗ trợ các khu công nghiệp mới phát triển theo hướng chuyên ngành và hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, nhất là trong công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động chống buôn bán hàng lậu, hàng giả, lừa đảo trong kinh doanh, vi phạm chế độ bản quyền, thương hiệu hàng hóa; Đẩy mạnh các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; tập trung xử lý kịp thời các điểm gây ô nhiễm, nhất là ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư theo quy hoạch.
 Ngoài 100 TP, vùng lãnh thổ trên thế giới đã có quan hệ hợp tác, Hà Nội tiếp tục ký kết hợp tác với nhiều đối tác mới, làm tiền đề và cơ sở cho DN hai bên tiếp cận, hợp tác làm ăn…
Những nỗ lực đã được ghi nhận với những danh hiệu trong nước và quốc tế nêu trên, được đền bù xứng đáng bằng kết quả thực tế: Trong quý I/2017, Hà Nội có 122 dự án FDI đăng ký với số vốn đăng ký 580 triệu USD, bằng 19% kế hoạch năm và bằng 70,3% so với quý I/2016 (trong đó, dự án nước giải khát Coca-Cola Việt Nam tăng vốn 319,8 triệu USD). Cũng trong quý I/2017, Hà Nội có 5.800 DN thành lập mới (tăng 12% so với cùng kỳ) với số vốn đăng ký 39.800 tỷ đồng (tăng 7% so với cùng kỳ).
Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nguyên nhân cho thành công nêu trên, đồng thời là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu cho phát triển của TP trong thời gian tới. Với tinh thần đó, Hà Nội đang nỗ lực vượt qua chính mình, thoát khỏi định kiến “Hà Nội không vội được đâu” để trở thành một “Hà Nội vượt trội và đi đầu, một TP gương mẫu” trong quản lý Nhà nước nói chung, quản lý đô thị và DN nói riêng.