Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội xử nghiêm tổ chức, cá nhân đưa tin không chính xác về ATTP

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta.

Theo nội dung Công văn số 444/UBND-KGVX, ban hành ngày 8/2, UBND TP Hà Nội giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất Thành ủy, UBND TP triển khai thực hiện kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề ATTP.
Cụ thể, ngày 19/01/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng có Kết luận số 11-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm ATTP trên địa bàn; đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp và các phương tiện truyền thông để bảo đảm ATTP tất cả các khâu từ sản xuất, kinh doanh, chế biến đến tiêu dùng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nhân dân về ATTP, về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về ATTP; khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để bảo đảm ATTP, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội và hội nghề nghiệp trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP.

Xử lý nghiêm minh theo pháp luật những tổ chức, cá nhân đưa tin sai sự thật, không chính xác về ATTP, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của Nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta.

Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, trước hết là với các nước láng giềng để bảo đảm ATTP; kiểm soát chặt chẽ hóa chất bảo vệ thực vật, các chất cấm trong sản xuất thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, nhất là qua đường tiểu ngạch.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP. Phân định rõ trách nhiệm của các ngành chức năng từ Trung ương đến cơ sở trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các khâu sản xuất, chế biến, nhập khẩu thực phẩm trước khi đưa vào lưu thông và tiêu dùng; đồng thời, có những biện pháp phù hợp, kiên quyết để phòng, chống nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng nhái đang lưu thông trên thị trường. Bổ sung các chế tài cần thiết, bảo đảm xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm ATTP.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ATTP, về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm ATTP để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng…