Theo đánh giá, Hà Nội là TP có tỷ lệ diện tích đất dành cho hạ tầng giao thông ở mức tương đương với các TP phát triển trên thế giới.
Việc 4 huyện, gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức được TP Hà Nội định hướng xây dựng mô hình chính quyền đô thị (cấp quận) vào năm 2020 với sự đầu tư nguồn lực lớn cho hệ thống hạ tầng, đã giúp giá trị của sản phẩm BĐS tại các khu vực này tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với TS.KTS Hoàng Hữu Phê - Chuyên gia về quy hoạch đô thị để hiểu rõ hơn vai trò của hạ tầng đối với sự gia tăng về giá trị của BĐS.
Ông đánh giá thế nào về định hướng của TP Hà Nội về việc xây dựng chính quyền quản lý theo mô hình đô thị tại 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức?
- Trở lại câu chuyện cách đây 10 năm, khi Hà Nội được T.Ư chủ trương mở rộng địa giới hành chính. Lúc đó, Chính phủ đã xác định Hà Nội là trung tâm phát triển kinh tế, việc mở rộng địa giới hành chính giúp cho Hà Nội có điểm tựa để tăng sức mạnh về kinh tế và cạnh tranh thành công với các đô thị trong khu vực. Việc này đã giúp cho Thủ đô có đủ đất để hoàn thiện các chức năng còn yếu hoặc chưa có như vành đai xanh, các khu giãn dân, khu đô thị sinh thái, khu công nghệ cao, khu xử lý chất thải môi trường... Từ đó buộc Hà Nội phải có những đô thị vệ tinh.
Vì thế, Hà Nội đã bắt đầu xây dựng những đô thị vệ tinh và nâng cấp hệ thống quản lý thành chính quyền đô thị tại khu vực vùng ngoại thành. Tôi cho rằng các khu vực đô thị mới này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng sức mạnh tổng thể cho Thủ đô và cũng là những địa bàn chia sẻ gánh nặng phát triển kinh tế cho khu vực trung tâm. Việc xây dựng chính quyền quản lý theo mô hình đô thị tại các huyện ngoại thành là tất yếu trong quá trình phát triển của Hà Nội.
Thưa ông, việc 4 huyện được chuẩn bị nâng cấp lên quận có tác động thế nào đến giá trị BĐS tại khu vực?
- Trước hết ta phải nói đến vấn đề liên quan đến hạ tầng, ngay sau khi được định hướng sẽ trở thành các đô thị vệ tinh của Hà Nội, các khu vực ngoại thành đã được T.Ư cho phép TP Hà Nội đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung, trong đó đặc biệt quan trọng là hạ tầng giao thông.
Hạ tầng giao thông được xem là xương sống trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vấn đề này đã được chính quyền Hà Nội chủ trương đi trước một bước làm động lực cho các hạ tầng khác phát triển và cũng là cơ sở để thu hút DN vào đầu tư. Và theo quy luật tất yếu, nơi nào có đường sá đi lại thuận tiện, kèm theo đó là các tiện ích công cộng thì nơi đó thu hút người dân đến sinh sống, kéo theo việc BĐS tại khu vực đó cũng sẽ tăng giá, hay nói cách khác, hạ tầng là động lực tăng giá cho BĐS.
Để tránh xảy ra sự “hỗn loạn” của thị trường BĐS tại các khu vực này cần phải làm gì, thưa ông?
- Người Việt thường có thói quen mua bán theo xu thế “đám đông” hay “tin đồn” và thực tế rất nhiều lần người mua đã bị rơi vào tình trạng “tiền mất - tật mang” từ việc mua bán theo kiểu này.
Trong khi đó, thị trường BĐS vô cùng nhạy cảm với những thông tin quy hoạch, mỗi khi ở nơi nào có thông tin sắp triển khai dự án (mặc dù chưa có quyết định chính thức từ chính quyền) thì ngay lập tức, giá đất tại khu vực đó được tăng giá một cách chóng mặt, mọi người đổ xô vào mua bán, chuyển nhượng, cứ như thế làm cho giá đất tăng lên, trong khi thực tế sản phẩm đó chưa có giá trị sử dụng.
Người dân chính là nhân tố làm cho giá BĐS tăng nhanh, chứ sản phẩm đó không phải tăng do giá trị sử dụng. Về vấn đề này, cần phải có sự tham gia của chính quyền và các cơ quan chức năng vừa làm công tác tuyên truyền, vừa quản lý đối với các hoạt động chuyển nhượng, mua bán đất đai.
Trên thực tế, những giao dịch mua bán tại các khu vực này chủ yếu là những người đầu cơ, sau đó tự đẩy giá lên, những người có nhu cầu thực sự thì lại không tiếp cận được vì giá cao và những người muốn bán thì lại không bán được. Kinh nghiệm từ quá trình phát triển đô thị tại một số TP trên thế giới, cũng do tình trạng này nên đã xuất hiện những “TP ma” không có người ở.
Xin cảm ơn ông!