Hà Tĩnh: Mất an toàn lưới điện tại vùng nuôi trồng thủy sản

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các vùng nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Hà Tĩnh chủ yếu sử dụng hệ thống điện 3 pha. Mặc dù điện áp cao, nhưng nhiều nơi lưới điện lắp đặt rất tạm bợ, nguy cơ mất an toàn luôn tiềm ẩn.

Video: Mất an toàn lưới điện tại vùng nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Hà Tĩnh

Ghi nhận của phóng viên tại vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản ở thôn Tiến Hưng, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh), ao hồ được quy hoạch khá bài bản, vậy nhưng lưới điện lại không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, nguy cơ mất an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.

Hầu hết cột điện được làm bằng cọc tre, cọc gỗ tạm bợ, xiêu vẹo, dây điện giăng mắc, đấu nối bùng nhùng, ổ cắm điện phơi giữa nắng mưa. Qua quan sát chỉ cần một làn gió nhẹ, toàn bộ cột điện, dây dẫn đung đưa, có thể gãy đổ, gây nên những sự cố về điện bất cứ lúc nào.

Dây dẫn, ổ cắm điện lắp đặt sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xẩy ra sự cố về điện
Dây dẫn, ổ cắm điện lắp đặt sơ sài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xẩy ra sự cố về điện

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Chính Đàn - Chủ tịch UBND xã Thạch Hưng cho biết, tại thôn Tiến Hưng có 45 ha ao hồ mặt nước nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm quảng canh, cua biển, cá chim vây vàng... Lưới điện nơi đây do người dân kéo ra hồ nuôi để thắp sáng và chạy dàn quạt sục khí ôxy.

“Vùng nuôi trồng thủy sản xa khu dân cư, cột điện chủ yếu được làm từ cọc gỗ, cọc tre tạm bợ nên chưa đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão. Chúng tôi đang tuyên truyền, nhắc nhở người dân thay thế bằng cột điện bê tông để đảm bảo an toàn, phục vụ nuôi lâu dài” - ông Nguyễn Chính Đàn cho biết thêm.

Dây dẫn điện phục vụ chạy dàn quạt sục khí nằm dưới nước rất dễ bị rò điện, phóng điện
Dây dẫn điện phục vụ chạy dàn quạt sục khí nằm dưới nước rất dễ bị rò điện, phóng điện

Tại tỉnh Hà Tĩnh đã từng xảy ra những cái chết thương tâm do người dân bất cẩn trong khi sử dụng điện nuôi trồng thủy sản. Mặc dù vậy không ít người vẫn còn chủ quan, chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà chưa đầu tư nâng cấp lưới điện đảm bảo an toàn.

“Dây dẫn điện 3 pha phục vụ dàn quạt sục khí nằm dưới nước đã được đấu nối cẩn thận.  Còn cột điện làm thấp, sát mép bờ ao biết là không an toàn, nhưng lại phòng tránh được gãy đỗ khi có mưa bão xảy ra” - ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh biện bạch.

Lưới điện 3 pha, điện áp cao nhưng lại đấu nối bùng nhùng, chằng chịt không đảm bảo an toàn
Lưới điện 3 pha, điện áp cao nhưng lại đấu nối bùng nhùng, chằng chịt không đảm bảo an toàn

Tận dụng tiềm năng, lợi thế ao hồ mặt nước, gần đây phong trào nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Hà Tĩnh phát triển mạnh, nhất là tại các huyện ven biển như Nghi Xuân, Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh… Bên cạnh các doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi chuyên canh, quy mô lớn, lưới điện được đầu tư khá đồng bộ, thì hầu hết vùng nuôi quảng canh lưới điện không đảm bảo an toàn.  

Giám đốc Điện lực Kỳ Anh Đặng Đôn Sơn cho biết, ngành điện thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo khách hàng nói chung, người nuôi trồng thủy sản nói riêng sử dụng điện an toàn, hạn chế tổn thất điện năng. Trong mùa mưa bão nếu kiểm tra, phát hiện hệ thống điện sau công tơ nguy cơ mất an toàn cao mà khách hàng không có biện pháp khắc phục kịp thời thì ban hành văn bản, tiến hành cắt điện, yêu cầu khách hàng xử lý.

Lưới điện không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm trong mùa mưa bão 
Lưới điện không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm trong mùa mưa bão 

Qua tìm hiểu được biết, tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 17.000 ha ao hồ mặt nước nuôi trồng thủy sản, trong đó khoảng 7.300 ha nuôi tôm. Nghề nuôi trồng thủy sản đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Tông Thắng cho biết, đơn vị cũng đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản cần đảm bảo an toàn lưới điện. Vì thực tế hiện nay tại nhiều vùng lưới điện chưa đảm bảo, dây dẫn, cột điện còn lắp đặt tạm bợ, khi có gió bão sẽ rất nguy hiểm.

Lưới điện không đảm bảo an toàn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nuôi trồng thủy sản, nhất là trong mùa mưa bão. Vì vậy để nghề nuôi trồng thủy sản ở tỉnh Hà Tĩnh phát triển bền vững, ngành điện lực, chính quyền các cấp cần có động thái tích cực hơn trong kiểm tra, nhắc nhở và chấn chỉnh tình trạng sử dụng điện không đảm bảo an toàn, phòng ngừa những sự cố đáng tiếc xảy ra.