Hà Tĩnh: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện

Văn Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phong trào trồng rừng nguyên liệu ở tỉnh Hà Tĩnh phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân. Tuy nhiên, trồng rừng một cách ồ ạt dẫn đến vi phạm hành lang an toàn lưới điện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố.

Trồng rừng ở Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện
Trồng rừng ở Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện

Vướng mắc giải tỏa hành lang lưới điện

Đường dây 10kV (971E18.8 nhánh rẽ Lộc Yên - Hương Liên) huyện Hương Khê dài hơn 25km, cung cấp điện cho 3.615 khách hàng. Là đường điện có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, nhưng nhiều vị trí khoảng cách từ dây dẫn trần đến cây không đảm bảo an toàn, nguy cơ xảy ra chập điện, cháy nổ luôn rình rập.

Ông Phan Hữu Âu - Điện lực Hương Khê cho biết, theo quy định, hành lang cây cối mỗi bên cách dây dẫn trần 2m, nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện do trồng rừng nguyên liệu (dọc đường dây 971E18.8 nhánh rẽ Lộc Yên - Hương Liên) xảy ra ở nhiều nơi. Nếu gặp gió lớn, mưa bão, hoặc khi chặt cây, sẽ gây nên những sự cố nguy hiểm, khó lường.

“Việc cấp đất tại các địa phương có thể phục vụ trồng cây nông sản ngắn ngày, nhưng sau đó người dân lại tự phát trồng keo, chiều cao vượt quá dây dẫn điện. Ngành điện đã nhiều lần làm việc với chính quyền và Nhân dân, nhưng một bộ phận người dân chưa chịu hợp tác nên việc sẻ phát, chặt bỏ cây cối, giải tỏa hành lang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc” - ông Phan Hữu Âu cho biết thêm.

Đường dây 10kV (971E18.8 nhánh rẽ Lộc Yên - Hương Liên) không đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện.
Đường dây 10kV (971E18.8 nhánh rẽ Lộc Yên - Hương Liên) không đảm bảo khoảng cách an toàn lưới điện.

Qua khảo sát của phóng viên, hiện nay rừng trồng ở tỉnh Hà Tĩnh (chủ yếu keo tràm, bạch đàn) vi phạm hành lang an toàn lưới điện diễn ra khá phổ biến. Nhiều nhất vẫn là tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Can Lộc, Kỳ Anh...

Đặc biệt, có không ít vị trí cây vướng vào dây điện, thậm chí có nơi dây điện luồn lách dưới rừng cây, nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người và vật nuôi luôn tiềm ẩn.

Ông Đoàn Ngọc Lương - Chủ tịch UBND xã Hương Minh (huyện Vũ Quang) cho biết: Một số tuyến mới dựng cột sau này, ngành điện đã đền bù thiệt hại cho dân trước khi xây dựng, nhưng vẫn còn nhiều nơi hệ thống lưới điện đã có từ lâu, hành lang chưa được giải tỏa, không đảm bảo an toàn. Địa phương cũng đang tuyên truyền, nhắc nhở người dân trồng rừng không vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Rừng trồng ở tỉnh Hà Tĩnh vi phạm hành lang an toàn lưới điện, nguy cơ xảy ra sự cố luôn tiềm ẩn.
Rừng trồng ở tỉnh Hà Tĩnh vi phạm hành lang an toàn lưới điện, nguy cơ xảy ra sự cố luôn tiềm ẩn.

Tăng cường xử lý sự cố, vận hành lưới điện an toàn

Liên quan đến hành lang an toàn lưới điện, tại các Nghị định của Chính phủ và Luật Điện lực đều quy định cấm trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn trên không, trạm điện. Khoảng cách an toàn phóng điện tùy theo cấp điện áp, nhưng đối với dây dẫn trần điện áp đến 22kV thì khoảng cách từ điểm cao nhất của cây theo chiều thẳng đứng đến độ cao của dây dẫn thấp nhất khi đang ở trạng thái võng cực đại là 2m và khoảng cách từ dây dẫn ngoài cùng ra đến cây tối thiểu 2m.

Quy định là vậy, nhưng hiện nay tại các huyện Hương Khê, Thạch Hà, Kỳ Anh... khối lượng cây cối trong và ngoài hành lang vi phạm an toàn lưới điện rất lớn. Cũng có nhiều nơi, người dân trồng cây cao ngoài hành lang, cách xa đường dây dẫn nhưng khi cây bị gãy đỗ vẫn có thể chạm vào đường dây gây nên những sự cố về điện.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Hà Tĩnh, năm 2021 có 77 sự cố/ tổng số 523 sự cố được phân loại có tính chất hành lang, trong đó có 12 sự cố do người dân chặt cây, cây cao trong hành lang đã được xử lý.

Dây điện chằng chịt trong rừng keo tràm ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang
Dây điện chằng chịt trong rừng keo tràm ở xã Hương Minh, huyện Vũ Quang

Thực tế cho thấy rằng, những sự cố về điện dù ít nhiều cũng đã gây thiệt hại về hạ tầng lưới điện và tài sản của Nhân dân, làm gián đoạn việc cung cấp điện phục vụ sản xuất, đời sống. Đó là chưa kể đến, hiện tượng chập chạp đường dây còn gây tổn thất điện năng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, khó kiểm soát cho ngành điện lực.

Một cán bộ phòng An toàn, Công ty Điện lực Hà Tĩnh cho biết: Gần đây đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương xử lý vi phạm hành chính 2 trường hợp ở huyện Thạch Hà và Hương Khê với tổng số tiền gần 70 triệu đồng do khai thác keo tràm để cây đổ vào đường dây gây nên sự cố đáng tiếc.

Để đảm bảo an toàn lưới điện, Công ty Điện lực Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường tần suất xử lý, chặt tỉa cây, hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố về điện nhất là khi có gió lớn, mưa bão. Đối với những trường hợp không cho chặt tỉa cây nhưng lại có nguy cơ xảy ra sự cố, ngành điện sẽ phối hợp với chính quyền lập biên bản với chủ sở hữu cây, gửi thông báo và đóng biển cảnh báo nguy hiểm để người dân nắm bắt.

Dây điện nằm trong rừng cây rất dễ xảy ra những sự cố nguy hiểm, khó lường, nhất là trong mùa mưa bão.
Dây điện nằm trong rừng cây rất dễ xảy ra những sự cố nguy hiểm, khó lường, nhất là trong mùa mưa bão.

Người dân trồng rừng ồ ạt, không theo quy hoạch, còn ngành điện lại gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc khi tiến hành giải tỏa hành lang đảm bảo an toàn lưới điện theo quy định. Thực trạng này đòi hỏi ngành điện lực và chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh cần phối hợp tuyên truyền, đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện đồng bộ, nhất là có biện pháp ngăn chặn hiệu quả trước khi người dân trồng keo ở những nơi có nguy cơ gây mất an toàn lưới điện sau này.