Dù vậy, không ít người vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng liệu doanh nghiệp (DN) mình có vay được mức lãi suất đó không hay vẫn bị lách trần lãi suất.
Ông Atul Malik - Tổng giám đốc Maritime Bank và ông Mai Xuân Lượng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn gang thép Hàn Việt - một khách hàng của Maritime Bank đã có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.
Xin ông cho biết quan điểm của Maritime Bank về việc tiếp tục giảm lãi suất cho vay nói chung và điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả DN lẫn ngân hàng (NH)?
Ông Atul Malik: Tôi cho rằng chỉ thị hạ lãi suất cho vay xuống khoảng 15%/năm là cần thiết và đúng với xu thế thị trường nhằm hỗ trợ kịp thời cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ trong giai đoạn khó khăn. Có thể khẳng định, động thái quyết liệt của Thống đốc NHNN yêu cầu giảm lãi suất xuống dưới 15% đối với những khoản nợ cũ đã giải tỏa được nỗi lo âu của DN.
Chúng tôi đang tuân thủ đúng chỉ đạo của NHNN về việc giảm lãi suất xuống 15% hoặc thấp hơn cho những nhóm khách hàng đủ tiêu chuẩn. Thực tế, với việc cắt giảm lãi suất này, chúng tôi đã cùng chia sẻ khó khăn và mang lại lợi ích cho khách hàng của Maritime Bank.
Ảnh mang tính chất minh họa (Internet)
Cụ thể, chúng tôi đã giảm lãi suất cho hai nhóm khách hàng: Thứ nhất là những khách hàng đang kinh doanh tốt và có triển vọng phát triển tốt. Thứ hai là những khách hàng hiện gặp khó khăn tạm thời nhưng có mô hình kinh doanh tốt và có triển vọng phát triển tốt. Bằng việc tập trung này, chúng tôi hy vọng sẽ giúp các DN có triển vọng vượt qua giai đoạn khó khăn và những DN tốt tiếp tục mở rộng kinh doanh. Chúng tôi áp dụng chính sách này cho cả các khách hàng hiện tại và khách hàng mới. Nếu trong thời gian tới, NHNN tiếp tục đưa ra chính sách hạ lãi suất cho vay, Maritime Bank vẫn nghiêm chỉnh tuân thủ.
Vậy Maritime Bank sẽ có những biện pháp gì khi phải đối mặt với việc giảm lãi suất cho các khoản vay cũ (rủi ro lãi suất, giảm lợi nhuận)? Liệu NH các ông có khó khăn gì khi thực thi chỉ đạo này không?
Ông Atul Malik: Chúng tôi tin rằng để đạt mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần tăng tín dụng NH. Các khoản tín dụng cần đến được tay người tiêu dùng để kích cầu, đến được các DN để nâng cao năng lực sản xuất thỏa mãn các nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế, cũng như đến được với các công ty xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu giao dịch quốc tế. Việc này cũng giống như một vòng tuần hoàn vì nhu cầu tăng sẽ tạo ra thêm nhiều việc làm mới, thúc đẩy đầu tư của các DN và đem lại mức tăng trưởng cao hơn.
Một trong những biện pháp kích cầu là giảm lãi suất. Việc giảm lãi suất trong nền kinh tế sẽ giúp DN cải thiện dòng tiền và tăng nguồn tín dụng đối với người tiêu dùng và DN. Điểm mấu chốt là các NH cần phải hỗ trợ nền kinh tế bằng cách giảm lãi suất với người đi vay, đồng thời tăng nguồn tín dụng đối với những khách hàng đủ tiêu chuẩn. Trong ngắn hạn, lợi nhuận NH có thể bị ảnh hưởng từ rủi ro lãi suất và giảm biên lợi nhuận, nhưng trong trung hạn nếu kinh tế tăng trưởng bền vững thì các NH sẽ được hưởng lợi. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, điều quan trọng là NH và DN phải hợp tác với nhau.
Còn trên quan điểm của một DN, ông nghĩ sao khi theo công bố: Đa số NH thương mại đã thực hiện chỉ thị của NHNN về việc điều chỉnh giảm lãi suất của các khoản vay cũ về mức tối đa 15%/năm, song đại diện một số DN than thở, đây chỉ là “chiêu bài”, vì NH vẫn đang chần chừ, kéo dài thời gian giữ vốn...?
Ông Mai Xuân Lượng: Tôi nghĩ, có thể hiện tại nhiều DN trong nước vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn cho vay với lãi suất thấp vì nhiều lý do khác nhau, có thể do bản thân DN đó đang có vấn đề hoặc cũng có thể do nhà băng chưa thực sự mở cửa như thông báo. May mắn là DN chúng tôi không gặp phải vấn đề khúc mắc này. NH mà chúng tôi đang vay vốn đã gửi thông báo và ngay lập tức điều chỉnh lãi suất của các khoản vay cũ của chúng tôi về mức 15% như quy định. Một số DN, đối tác của chúng tôi sau khi được giới thiệu cũng đã vay vốn tại Maritime Bank và cho biết đã được NH này hỗ trợ ngay khi Thông tư của NHNN được ban hành.
Việc Maritime Bank ngay lập tức đưa lãi suất của các khoản vay cũ về mức 15% đã hỗ trợ thế nào cho hoạt động kinh doanh tại DN ông đang quản lý?
Ông Mai Xuân Lượng: Trước kia chúng tôi luôn đau đầu với các khoản nợ vì phải chịu lãi suất quá cao, do đó hoạt động kinh doanh cũng bị trì trệ. Tuy nhiên, từ sau khi được Maritime Bank thông báo giảm lãi suất, các khó khăn trước kia của dần dần được khắc phục, hạn chế chi phí để tập trung sản xuất kinh doanh.