Tổng thống Brazil Dilma Rousseff. (Ảnh: Reuters)
Nếu Thượng viện Brazil cũng đồng quan điểm - chỉ với đa số thông thường chứ không cần đến ít nhất 2/3 đa số như hiến pháp hiện hành đòi hỏi thì bà Rousseff sẽ bị buộc ngừng đảm nhận cương vị tổng thống trong thời gian 180 ngày để Thượng viện xem xét việc phế truất trước khi quyết định. Lúc này, Thượng viện Brazil cần ít nhất 2/3 đa số để thông qua quyết định phế truất bà Rousseff. Chặng đường pháp lý đến thời điểm đó còn dài nhưng một khi quá trình phế truất tổng thống được khởi động như hiện tại thì cơ may thoát hiểm lần này để có thể tiếp tục cầm quyền hết 3 năm còn lại của nhiệm kỳ cầm quyền thứ hai vô cùng mong manh đối với bà Rousseff. Sau khi đảng Phong trào Dân chủ của Phó Tổng thống Michel Terner chấm dứt 13 năm liên minh cầm quyền với Đảng Lao động và chuyển hẳn sang phe đối lập, phe chống đối và muốn phế truất bà Rousseff có thừa đa số hai phần ba trong cả lưỡng viện lập pháp.
Bà Rousseff bị cáo buộc đã “làm đẹp” số liệu thống kê để phục vụ cho cuộc vận động tái cử tổng thống năm 2014. Thật ra chỉ vì chuyện này mà quốc hội tiến hành phế truất tổng thống thì rất lạ kỳ. Cho nên nguyên do chính là trong quốc hội có những thế lực dính líu quá sâu vào tham nhũng và không muốn bà Rousseff thẳng tay chống tham nhũng. Họ lợi dụng tâm lý cử tri Brazil thất vọng về thành tựu cầm quyền của bà Rousseff. Ông Terner rút đảng Phong trào Dân chủ ra khỏi chính phủ liên hiệp với bà Rousseff để tham gia lật đổ Tổng thống nhằm trở thành người kế nhiệm.
Cử tri nước này thất vọng vì bà Rousseff đã không có được đối sách hữu hiệu đưa đất nước nhanh chóng ra khỏi suy thoái kinh tế trầm trọng và không kiên quyết xử lý chuyện tham nhũng của Đảng Lao động. Chuyện đến nước này có nguyên cớ ở chính bà Rousseff và lý do ở người khác.