Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai chuyện đăng quang

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ở Nhật Bản đã xong trong khi ở Thái Lan thì sắp sửa - ở hai nơi đều có chuyện đăng quang nhà vua mới.

Ở Nhật Bản, tân Nhật hoàng Naruhito lên ngôi sau khi người cha thoái vị. Ở Thái Lan, vua cũ đã băng hà cách đây 2 năm nhưng việc người kế nhiệm đăng quang mãi đến bây giờ mới được tổ chức. Tại hai nước này, triều đại mới như vậy chính thức bắt đầu.
Hai nơi này cách nhau khá xa và khác biệt nhau rất cơ bản về lịch sử cũng như bối cảnh chính trị xã hội. Cả lý do dẫn đến việc người mới đăng quang cũng rất khác nhau. Nhưng Thái Lan và Nhật Bản lại rất giống nhau ở chỗ Hoàng gia được thần dân rất mến mộ và tôn thờ, luôn là tâm điểm của ổn định và đoàn kết dân tộc giữa mọi biến động về chính trị an ninh và ổn định xảy ra trên đất nước.
Hoàng gia ở hai nước này tuy không nắm thực quyền và không trực tiếp hành pháp nhưng lại có uy quyền ngất trời. Kể từ năm 1932 đến nay, ở Thái Lan đã xảy ra nhiều lần đảo chính quân sự, nhiều chính quyền dân sự bị lật đổ và nhiều chính quyền quân sự nhiếp chính suốt thời gian dài. Đất nước biến động dữ dội vậy mà hoàng quyền không hề bị suy suyển và bất kỳ phe cánh nào cầm quyền, dân sự cũng như quân sự, đều cần đến sự ủng hộ hoặc dung chấp của Hoàng gia.
Ở Nhật Bản, chính trường cũng đâu có được ổn định và nội bộ xã hội cũng đâu có được đồng thuận. Nhưng Hoàng gia vẫn luôn được thần dân tin cậy và nể trọng. Ở cả hai nơi, nhà vua Thái Lan đã quá cố và Nhật hoàng vừa thoái vị đều đã rất thành công với việc thích ứng hóa nền quân chủ vào thế giới hiện đại, với việc dùng gây dựng và củng cố uy tín trong dân chúng làm nền tảng cho uy quyền, nhờ vậy dẫu không hề trực tiếp cầm quyền mà vẫn có uy quyền thật sự.
Ở cả nơi bây giờ hai người kế vị đều phải vượt qua thách thức lớn nếu muốn kế thừa di sản trị vì của hai vị quân vương trước.