Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hải Dương: chính quyền chưa cấp phép, doanh nghiệp vẫn dựng nhà xưởng hoạt động

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có giấy phép xây dựng theo quy định, thế nhưng Công ty TNHH Khởi Huệ đã cho khoảng 70 công nhân hoạt động gia công đế giày tại nhà xưởng rộng hơn 300m2 nằm trên địa bàn xã Thanh Quang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.

Đến nay, xưởng này đã hoạt động được 12 năm nhưng vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc tồn tại trái phép của nhà xưởng này đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn lao động.

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, xưởng gia công mũi đế giày nằm trong khu dân cư. Lượng công nhân làm việc tại xưởng đông, xe máy, xe đạp điện của công nhân đều hoạt động chung tại xưởng.

Toàn xưởng có 70 công nhân hoạt động. Ảnh: Hải Yến
Toàn xưởng có 70 công nhân hoạt động. Ảnh: Hải Yến

Liên quan đến hoạt động của xưởng gia công đế giày nêu trên, phóng viên đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Thanh Quang. Theo đó, nhà xưởng đi vào hoạt động khi chưa có đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định.

Bên cạnh đó, thửa đất mà công ty xây xưởng gia công là của ông Lê Văn Khởi, có diện tích hơn 300m2 đất ở và đất vườn đan xen nhau.

Theo quy định, phần đất công ty sử dụng là đất ở nông thôn và đất vườn, do vậy phải làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định mới được phép lập nhà xưởng.

“Đây là những tồn tại từ lâu, khi công ty lập xưởng gia công với số lượng công nhân nhiều, trưng biển công ty, tức là đây là một tổ chức đang sử dụng đất thì phải thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật. Cụ thể là chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xin cấp giấy phép xây dựng… Nhưng đến nay, công ty chưa thực hiện do vướng thủ tục”.

Nhà xưởng đang hoạt động
Nhà xưởng đang hoạt động
Ông Lê Văn Khởi - Giám đốc Công ty TNHH Khởi Huệ, Chủ nhiệm HTX thu mua, chế biến nông sản huyện Thanh Hà cho biết: “Trước đây, tôi lập nhà xưởng để phục vụ cho việc thu mua vải. Nhưng thấy lãng phí vì mùa vải chỉ trong thời gian ngắn nên sau đó, tôi đã thực hiện đan xem việc gia công mũi, đế giày, đưa vào hoạt động cho đến nay. Toàn xưởng có 70 công nhân. Thời gian làm việc từ 8-9 tiếng/ngày. Tổng thu nhập công nhân đạt mức 5-7 triệu đồng/tháng. Ở các vị trí quản lý, mức lương có thể tăng lên 9 triệu/tháng, có một quản lý đặc biệt là 12 triệu/tháng. Do công nhân yêu cầu không đóng bảo hiểm nên số tiền đó sẽ tính vào trả lương hàng tháng, bởi thế nên công nhân ở đây tự trang bị bảo hộ lao động…”

Ông Khởi thừa nhận việc hoạt động như vậy là sai và cho biết mục đích thành lập nhà xưởng là để tạo công việc cho người dân địa phương và thu nhập cho cá nhân.

Thời gian tới công ty sẽ di chuyển tới khu vực khác phù hợp với quy hoạch.