Đây là lần đầu tiên vải thiều Thanh Hà được xuất sang châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.
Lô hàng vải thiều đầu tiên của Thanh Hà, Hải Dương lần đầu được xuất sang EU |
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, do dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngay từ những ngày đầu Bộ Công Thương cùng với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho nông sản Việt Nam.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam. Với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia...
Lô trái vải đầu tiên sẽ đi đường hàng không và “cập bến” cộng hòa Séc - nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất nhì EU.
Tổng Giám đốc Pacific Foods Chung Trí Phong cho biết, việc xuất khẩu thành công vải thiều Thanh Hà của Hải Dương và Lục Ngạn tại Bắc Giang theo tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP… vào EU đã khẳng định trái vải thiều Việt Nam luôn được khách hàng thế giới ưa chuộng. Và điều này cũng chứng minh, các doanh nghiệp trong nước ngày càng đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.
Đại diện Pacific Foods cho biết, sau quả vải sẽ là mít, thanh Long, gạo sẽ được đơn vị này xúc tiến xuất khẩu sang EU.
Hải Dương hiện có hơn 9.000ha vải thiều, trong đó huyện Thanh Hà có hơn 3.300ha, Chí Linh có hơn 3.500ha với tổng sản lượng khoảng 55.000 tấn. Tỉnh hiện có 45 vùng vải với tổng diện tích 450ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP; 6.300ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay đã có 1.000ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Năm 2021, tỉnh Bắc Giang có diện tích vải thiều dự kiến đạt khoảng 28.100ha, sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn. Trong đó, diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh dự kiến trên 15.200ha, theo tiêu chuẩn GlobalGAP là 82ha. Vùng sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Australia... có diện tích 218ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn; vùng sản xuất vải thiều sang thị trường Nhật Bản là 219ha, sản lượng ước đạt 1.800 tấn.