Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hài hòa lợi ích doanh nghiệp - người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/3, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với Sở GTVT, Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình… và các DN vận tải để tháo gỡ khó khăn cho Bến xe Nước Ngầm.

Ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết, vận tải khách thời điểm này DN nào cũng gặp khó khăn, do đó lượng xe về bến ít. Hiện Bến xe Nước Ngầm chỉ có 350 lượt xe/ngày. Ông Lập cho biết thêm, do Bến xe Nước Ngầm là bến xã hội hóa, có lợi thế ban đầu rất tốt, đón các luồng, tuyến xe từ phía Nam vào Hà Nội, tuy nhiên từ khi thành lập đến nay chưa bao giờ bến đủ tải. Do đó, để đảm bảo quyền lợi của DN, của người dân, đề nghị Sở GTVT Hà Nội thực hiện theo quy chuẩn, quy hoạch của TP, theo tiêu chí chung là phân bố xe khách về các bến Đông - Tây - Nam - Bắc. "Bến xe Nước Ngầm không đề nghị điều chuyển các tuyến xe về bến mà chỉ đề nghị Sở GTVT Hà Nội là cán cân điều hành thực hiện theo tiêu chí, quy hoạch luồng tuyến xe khách đã có. Trước những kiến nghị của Bến xe Nước Ngầm, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho rằng từ năm 2013 đến nay, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở đã không sắp xếp xe vào Bến xe Mỹ Đình. Trong đó, ưu tiên bố trí xe về hoạt động tại các bến Yên Nghĩa và Nước Ngầm. Thống kê cho thấy từ 2013 đến nay, số xe được chấp thuận vào 2 bến này hoạt động tương đối cao. Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội luôn hướng các Sở GTVT, DN vận tải các địa phương đưa xe vào 2 bến trên do tại Hà Nội chỉ còn 2 bến này công suất còn có dôi dư, bảo đảm diện tích và khu vực sắp xếp xe.
Một góc Bến xe Nước Ngầm.
Một góc Bến xe Nước Ngầm.
Trước ý kiến của lãnh đạo Bến xe Nước Ngầm, lãnh đạo nhiều Sở GTVT và Hiệp hội vận tải ô tô các tỉnh đã có những phản ứng về kiến nghị điều chuyển luồng tuyến. Ông Nguyễn Văn Thạc - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định có 32 DN vận tải đang tham gia khai thác tại các bến xe Hà Nội. Các bến xe Hà Nội cơ bản quản lý rất tốt, do đó các xe khách của tỉnh hoạt động có hiệu quả. Đối với đề xuất của Bến xe Nước Ngầm, ông Thạc cho rằng đừng đổ khó khăn cho Nhà nước, kinh doanh mà không hiệu quả phải xem xét lại mình và phải căn cứ vào quy hoạch luồng tuyến để lựa chọn đầu tư; cần xem lại còn vấn đề gì chưa làm được như phí, lệ phí ra vào bến, đảm bảo ATGT khi xe ra vào… Nếu cứ bắt cơ quan quản lý Nhà nước phải làm theo ý kiến của DN là rất khó. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý Nhà nước muốn điều chuyển xe về các bến cũng phải căn cứ vào thực tiễn, quy định… Ông Thạc kiến nghị, Sở GTVT Hà Nội xem xét giữ nguyên các tuyến vận tải đang hoạt động như năm 2014 tránh xáo trộn, làm ảnh hưởng DN và người dân; Sở GTVT Hà Nội thống nhất mức thu phí xe ra vào bến của các bến xe trên địa bàn Hà Nội, mức hoa hồng bán vé… để tránh việc mỗi bến thu một kiểu gây bức xúc cho DN; Đề nghị Bộ GTVT sớm công bố quy định về tuyên vận tải khách để DN có kế hoạch khai thác.

Còn ông Nguyễn Văn Hùng -  Chủ tịch Hiệp hội vận tải Nghệ An cho rằng lượng khách và lượng xe phân bổ về các bến hiện đang đều đặn về các hướng của Hà Nội. Do đó, trong thời điểm khó khăn hiện nay đề nghị không xáo trộn luồng tuyến, từ đó tạo điều kiện để DN vận tải hoạt động có hiệu quả với việc cho họ khai thác ổn định tại một bến từ 3 - 5 năm… Để gỡ khó cho Bến xe Nước Ngầm, chúng tôi sẽ vận động các thành viên nếu có nhu cầu hoặc mở thêm tuyến mới sẽ hướng vào hoạt động tại bến xe Nước Ngầm. Còn nếu áp đặt xe về Bến xe Nước Ngầm sẽ rất khó, do đó nên để DN có nhu cầu đăng ký với bến. Bởi thực tế ở đâu kinh doanh vận tải có lợi thì các DN sẽ tự tìm vào.

Sau khi nghe ý kiến từ các Sở GTVT, Hiệp hội vận tải các địa phương và DN vận tải, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh khẳng định, nguyên tắc đầu tiên được UBND TP Hà Nội chỉ đạo là bố trí luồng tuyến phải đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân được an toàn, thuận tiện, giảm ùn tắc và TNGT. Đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của DN vận tải và DN quản lý bến. Để tháo gỡ khó khăn cho Bến xe Nước Ngầm, ông Linh đã yêu cầu Phòng Quản lý Vận tải phối hợp Sở GTVT, DN vận tải các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, khi có nhu cầu mở tuyến xe khách về Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí về bến Nước Ngầm và Yên Nghĩa là 2 bến xe còn rộng. Cùng với đó đề nghị Bến xe Nước Ngầm tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý, rà soát các ý kiến đóng góp của các DN vận tải, cái gì chưa đúng, chưa phù hợp thì điều chỉnh để thu hút xe về bến.