Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hai môn học không cần đến 3 cuốn sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước việc Bộ GD&ĐT thiết kế môn Lịch sử theo 2 phương án gồm có 3 hoặc 1 cuốn...

Kinhtedothi - Trước việc Bộ GD&ĐT thiết kế môn Lịch sử theo 2 phương án gồm có 3 hoặc 1 cuốn sách Lịch sử và Địa lý, nhiều chuyên gia Sử học cho rằng hai môn học không cần đến 3 cuốn sách và đề nghị phải có 1 cuốn sách Lịch sử riêng.

Sự lắp ghép thô kệch

Theo tinh thần đổi mới giáo dục, phương pháp dạy và học sẽ chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát huy năng lực của người học. Với mục tiêu này thì tích hợp các môn học sẽ giúp giảm tải và tạo thành năng lực tổng hợp cho học sinh (HS). Chính vì thế, ở bậc THCS, Bộ GD&ĐT đưa ra 2 phương án cho môn Lịch sử để tiếp tục thảo luận và nghiên cứu. Theo đó, phương án 1, Lịch sử và Địa lý là 2 môn độc lập, nhưng phải viết thêm phần tích hợp của 2 môn này để HS phát triển khả năng tổng hợp. Và như vậy, nếu thực hiện theo cách này, sẽ phải có 3 cuốn sách Lịch sử và Địa lý. Phương án 2 là xây dựng môn Lịch sử - Địa lý tích hợp, bao gồm phân môn Sử và phân môn Địa. Những kiến thức liên quan giữa 2 môn sẽ tạo thành các chuyên đề liên môn. Làm theo phương án này chỉ cần có 1 cuốn sách.
Phương án tích hợp Lịch sử với Địa lý ở bậc THCS đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận. 	Ảnh: Phạm Hùng
Phương án tích hợp Lịch sử với Địa lý ở bậc THCS đang gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Ảnh: Phạm Hùng
Nhiều chuyên gia của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam không đồng tình với phương án 2. Bởi như vậy, Lịch sử và Địa lý được ví như 2 vòng tròn chồng lên nhau, chỗ cắt nhau ấy chính là tích hợp. Các chuyên gia cho rằng, việc này tưởng khoa học nhưng lại rất hình thức, là sự lắp ghép thô kệch. Hơn thế, nếu ghép Lịch sử và Địa lý thành 1 môn cũng có chỗ vênh không biết dạy thế nào. Chẳng lẽ giáo viên (GV) Lịch sử cứ dạy nội dung của mình, GV Địa lý cũng vậy, các phần giao thoa nhau giữa 2 môn thì đến cuối cùng 2 GV cùng dạy tích hợp? Hơn nữa, các chủ đề chung giữa Lịch sử và Địa lý không nhiều, chỉ khoảng dưới 20%, cho nên không cần thiết phải có thêm 1 cuốn sách.

Nếu như ở cấp tiểu học, Lịch sử được đưa vào môn Thế giới quanh ta, Tự nhiên xã hội là rất vừa tầm, phù hợp thì lên cấp THCS, Lịch sử phải được đối xử ngang bằng như môn Tiếng Việt và Ngữ văn. Lúc này giáo dục Lịch sử là giáo dục khoa học lịch sử. Môn Sử được dạy trong trường phổ thông với tư cách là ngành khoa học, không thể chung chung, trừu tượng. Việc tích hợp Lịch sử là yêu cầu tự thân của ngành khoa học này chứ không phải cộng dồn của các ngành khoa học khác. Từ quan điểm này, GS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: “Lịch sử và Địa lý gần gũi nhau ở phương pháp. Nghĩa là đưa phương pháp của ngành Địa lý để mọi người hiểu Lịch sử tốt hơn, giới thiệu khoa học, chặt chẽ và hợp lý hơn. Cho nên, tích hợp với Địa lý là nhu cầu của bản thân ngành Lịch sử, là tích hợp vào Lịch sử”.

Chỉ 2 là đủ!

Nếu phải lựa chọn, nhiều chuyên gia và GV Lịch sử nghiêng về phương án có 3 cuốn sách, nhưng đó là sự lựa chọn cuối cùng. Đã nói Lịch sử và Địa lý là 2 môn độc lập, tại sao không phải là 2 cuốn sách? GS Ngọc nghĩ đến phương án 3 chỉ gồm 2 cuốn sách, Lịch sử và Địa lý đều độc lập và riêng biệt, trong đó Lịch sử đã tích hợp với phần Địa lý, cũng như trong Địa lý có Lịch sử. Đặc biệt, không chỉ tích hợp với Địa lý, Lịch sử còn tích hợp với nhiều môn khác. Như vậy mới thực hiện đúng chương trình của Bộ GD&ĐT và tích hợp mang tính bản chất, chứ không phải lắp ghép cơ học.

TS Tưởng Phi Ngọ - Phó trưởng Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình: “Đối với các chuyên đề có kiến thức tích hợp, nội dung nào kiến thức nặng về Lịch sử thì viết vào cuốn sách Lịch sử, phần nào kiến thức nhiều về Địa lý thì thiết kế vào sách Địa lý. Như vậy chỉ cần 2 cuốn sách (một Sử và một Địa) cho đỡ phức tạp”.

Trả lời câu hỏi phương án 3 sẽ mang lại cho HS những lợi ích gì khi học Lịch sử so với phương án 1 và 2 của Bộ GD&ĐT? GS Ngọc cho rằng, trước đây, GV chỉ trình bày những vấn đề, sự kiện, hiện tượng lịch sử. Bây giờ Lịch sử được đặt trên nền Địa lý và tất cả các mối quan hệ cũng như tác động của nó. Đây là cách dạy bản chất, không nặng nề, tích hợp được nhiều và HS dễ chấp nhận. Phương án này yêu cầu GV phải trình bày cho HS hiểu căn cốt của vấn đề và nắm rõ các mối quan hệ cũng như những tác động dẫn đến sự kiện đó.

Và khi phương án 3 đề ra yêu cầu dạy Lịch sử để HS hiểu ngọn nguồn của vấn đề, các nhà viết sách sẽ phải chọn sự kiện tiêu biểu, chứ không thể dàn hàng ngang. Số tiết học có tăng lên hay không là tùy vào Bộ GD&ĐT. Nếu Bộ khẳng định Lịch sử đóng vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, số tiết học không thể là 1,5 tiết/tuần trong khi môn Ngữ văn được bố trí đến 7,5 tiết.