Hải Phòng: gần 7.000 m2 đất nông nghiệp biến thành bãi đúc ép cọc bê tông

Vĩnh Quân - Hải Yến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhận chuyển nhượng hàng nghìn m2 đất nông nghiệp của 16 hộ dân khi chưa đủ điều kiện quy định của pháp luật, sau đó biến toàn bộ diện tích thành bãi đúc cọc bê tông. Những sai phạm này đã có từ năm 2018, nhưng vẫn chưa được xử lý.

Mới đây, phóng viên nhận được phản ánh của người dân về việc mặc dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng tại khu vực thôn An Dụ 1, xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng hiện đang tồn tại một bãi đúc cọc bê tông trên đất nông nghiệp, vi phạm hành lang thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Cát đá được tập kết nhằm phục vụ cho việc sản xuất, đúc ép cọc bê tông. Ảnh: Vĩnh Quân
Cát đá được tập kết nhằm phục vụ cho việc sản xuất, đúc ép cọc bê tông. Ảnh: Vĩnh Quân

Được biết, bãi đúc cọc bê tông trên là của ông Mai Văn Hoan (trú xã Quyết Tiến, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng).

Ghi nhận thực tế của cho thấy, những nội dung phản ánh nói trên của người dân là có cơ sở. Trên diện tích hàng nghìn m2 đất nông nghiệp, chủ đầu tư đã ngang nhiên đặt hệ thống máy trộn, nhà điều hành, băng tải, máy móc... Tại thời điểm phóng viên có mặt tại bãi đúc cọc bê tông, công nhân và máy móc đang làm việc hết công suất, nhiều cột bê tông thành phẩm xếp tràn lan…

Lắp đặt trạm trộn bê tông trên diện tích đất ở để sản xuất cọc bê tông cốt thép. Ảnh: Vĩnh Quân
Lắp đặt trạm trộn bê tông trên diện tích đất ở để sản xuất cọc bê tông cốt thép. Ảnh: Vĩnh Quân

Theo thông tin từ UBND xã Khởi Nghĩa, từ năm 2015 ông Hoan đã thuê mặt bằng của ông Phạm Văn Đích và ông Lê Văn Thắng tại ven đường 25 thuộc xã Khởi Nghĩa để tiến hành tập kết vật liệu sản xuất cọc bê tông cốt thép. Hết năm 2017 sau khi hết hạn thuê đất, do không có mặt bằng sản xuất nên ông Hoan đã chuyển nhượng diện tích 510 m2 đất ở của ông Nguyễn Văn Thúy ven đường 25 và 6.629 m2 đất nông nghiệp của 16 hộ gia đình thôn An Dụ 1, xã Khởi Nghĩa để di chuyển trạm trộn bê tông về khu vực này.

Nhiều cột bê tông thành phẩm xếp tràn lan. Ảnh: Vĩnh Quân
Nhiều cột bê tông thành phẩm xếp tràn lan. Ảnh: Vĩnh Quân

Sau khi nhận chuyển nhượng đất của các hộ, ông Hoan đã tiến hành bơm cát, dâng lập mặt bằng cả 2 khu đất trên, đồng thời lắp đặt trạm trộn bê tông trên diện tích đất ở để sản xuất cọc bê tông cốt thép. Đối với diện tích đất nông nghiệp ông Hoan lắp đường ray có chiều dài 27 m, tập kết nguyên vật liệu để thực hiện việc sản xuất.

Qua trao đổi, ông Phạm Phú Hải, cán bộ địa chính UBND xã Khởi Nghĩa xác nhận, tính đến thời điểm này, cơ sở đúc cọc bê tông của ông Mai Văn Hoan chưa được cấp phép hoạt động.

Bãi đúc ép cọc bê tông trên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp. Ảnh: Vĩnh Quân
Bãi đúc ép cọc bê tông trên hàng nghìn m2 đất nông nghiệp. Ảnh: Vĩnh Quân

“Ông Hoan tự ý nhận chuyển nhượng diện tích đất nông nghiệp khi chưa đủ điều kiện quy định của pháp luật, bơm cát lập mặt bằng khi chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Việc làm này đã vi phạm quy định tại Khoản 2, Điều 134 Luật Đất đai năm 2013. Những vi phạm này là tồn tại cũ, khi đó, chính quyền xã đã yêu cầu ông Hoan áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả trả lại hiện trạng ban đầu. Cụ thể là UBND xã đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Hoan về hành vi tự ý bơm cát dâng lập mặt bằng diện tích đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Hoan với số tiền là 3.000.000 đồng. 

Xét thấy vị trí đất nông nghiệp trên trong nhiều năm bỏ hoang vì trồng lúa kém hiệu quả, kinh tế thấp, UBND xã đã đề nghị UBND huyện và các ban, ngành có liên quan kiểm tra, xem xét hướng dẫn ông Hoan hoàn thiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay thủ tục vẫn chưa thể hoàn thiện, nên cơ sở hoạt động của ông Hoan là hoàn toàn trái quy định.” - ông Phạm Phú Hải thông tin.

UBND xã Khởi Nghĩa khẳng định cơ sở hoạt động của ông Hoan là hoàn toàn trái quy định. Ảnh Vĩnh Quân
UBND xã Khởi Nghĩa khẳng định cơ sở hoạt động của ông Hoan là hoàn toàn trái quy định. Ảnh Vĩnh Quân

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Hoan thừa nhận chỉ có giấy đăng kí kinh doanh sản xuất cọc bê tông và kinh doanh đá cát, ngoài ra không có bất kỳ giấy tờ nào khác.

Để bảo đảm tính nghiêm minh của các quy định pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ hoạt động của cơ sở đúc cọc bê tông không phép trên diện tích gần 7.000 m2 đất nông nghiệp.