Hội nghị nhằm chia sẻ thực tiễn và những vấn đề đặt ra trong triển khai thực hiện chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, triển khai Quyết định 1162/QĐ-TTg Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, bám sát mục tiêu của chương trình triển khai rất nhiều các đề án, nhiệm vụ, tập trung chủ yếu vào các nội dung như: Xây dựng mô hình phát triển các mặt hàng tiềm năng lợi thế; phát triển thương mại hàng hóa và dịch vụ của khu vực gắn với hoạt động du lịch biển đảo; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử phục vụ phát triển thương mại tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo...
Đây là cơ hội để các cơ quan, đơn vị, các địa phương và cộng đồng DN thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo; từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong những năm tiếp theo.
Từ đó, hình thành chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong việc hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh của địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Ông Nguyễn Văn Thành - GĐ Sở Công thương Hải Phòng cho biết những năm qua Hải Phòng là TP có những bước phát triển mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 198.000 tỷ đồng, tăng 13,42% so với cùng kỳ, đứng thứ 5 trong cả nước về quy mô.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã, vận động các DN trên địa bàn triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Hạ tầng thương mại và hoạt động sản xuất kinh doanh của 2 huyện đảo được quan tâm và có nhiều khởi sắc, đã hình thành phương thức kinh doanh mua sắm như chợ, các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích tiện lợi.
"Năm 2022 và 10 tháng đầu năm 2023 tại các huyện đảo đã tổ chức được 6 phiên chợ hàng Việt với quy mô mỗi phiên chợ 25 gian hàng của trên 30 DN tham dự, thu hút trên 1.500 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu mỗi phiên chợ từ 1,5-2,5 tỷ đồng; xây dựng được 1 mô hình điểm bán hàng với tên gọi “Tự hào hàng Việt” tại huyện Cát Hải"…Ông Thành thông tin thêm.
Hướng tới mục tiêu tổng thể của chương trình trong giai đoạn 2021-2025 là đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm. Thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn các địa phương tổ chức các hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các Lễ hội, Hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát triển và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.