Hungary tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là không thể, và phần lớn các thành viên của liên minh này chia sẻ quan điểm này trong các cuộc trò chuyện riêng tư, cổng thông tin Index của nước này trích lời Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho biết.
"Lập trường của Hungary rất rõ ràng: tư cách thành viên NATO của Ukraine là không thể,” Bộ trưởng Peter Szijjarto khẳng định.
Theo ông, việc chính quyền Kiev được chấp thuận tham gia sẽ mở đường cho Thế chiến thứ ba.
"Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai có cách tiếp cận hợp lý đối với vấn đề này sẽ không muốn tạo ra mối nguy hiểm như vậy,” Bộ trưởng Szijjarto nói thêm.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary cho biết hầu hết các đối tác trong NATO đều chia sẻ quan điểm này trong các cuộc trao đổi và tương tác kín.
Không giống như hầu hết các quốc gia NATO, Hungary đã công khai phản đối tư cách thành viên của Kiev, và tin rằng việc gia nhập của nước này sẽ dẫn đến Thế chiến thứ III. Do việc gia nhập của các quốc gia mới phải được toàn bộ 32 thành viên NATO chấp thuận, nên ngay cả một quốc gia duy nhất cũng có khả năng ngăn cản một ứng viên gia nhập khối này, vốn do Mỹ dẫn dắt.
Thủ tướng Slovakia Robert Fico, người đã giữ chức vụ này hai lần và tái đắc cử vào tháng 10 năm 2023, đã nhiều lần đưa ra lập trường tương tự. Ông Fico tin rằng khả năng Ukraine gia nhập sẽ chỉ "là cơ sở tốt" cho Thế chiến thứ III.
“Chừng nào tôi còn là thủ tướng Cộng hòa Slovakia, tôi sẽ lãnh đạo các nhà lập pháp, những người mà tôi có quyền kiểm soát với tư cách là chủ tịch đảng, không bao giờ đồng ý cho Ukraine gia nhập NATO”, ông Fico khẳng định vào tuần trước trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình STVR.
Những nhận xét này được đưa ra trước thềm cuộc hội đàm của ông Fico với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hồi đầu tuần nay. Sự kiện có nội dung xoay quanh hợp tác về an ninh năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Kiev chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9 năm 2022, với lý do lo ngại xung đột với Nga. Trong khi nhiều quốc gia phương Tây công khai ủng hộ nguyện vọng của Ukraine, họ cũng đã từ chối cung cấp lộ trình hoặc thời gian biểu cụ thể để Kiev gia nhập. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 7 thừa nhận rằng “chúng tôi sẽ không tham gia NATO cho đến khi chiến sự ở Ukraine kết thúc”.
Trong diễn biến liên quan, vào ngày 14/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra các điều kiện để giải quyết tình hình ở Ukraine tại một cuộc họp với các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nước này.
Theo đó, các điều khoản của ông chủ Điện Kremlin bao gồm Ukraine rút quân khỏi Donbass và Novorossiya, cũng như từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.
Ngoài ra, Moscow cho biết tất cả các lệnh trừng phạt của phương Tây phải được dỡ bỏ và tình trạng phi khối và phi hạt nhân của Ukraine phải được đảm bảo, trong khi Ukraine phải đảm bảo các quyền, tự do và lợi ích của công dân Nga.
Ông Putin lưu ý rằng nếu Ukraine và phương Tây từ chối sáng kiến này, các điều kiện có thể thay đổi theo chiều hướng tồi tệ hơn trong tương lai. Kiev đã bác bỏ kế hoạch hòa bình của Nga. Sau khi Ukraine phát động một cuộc tấn công lớn vào Vùng biên giới Kursk của Nga vào ngày 6 tháng 8, Tổng thống Nga Putin tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với một chính phủ nhắm vào dân thường là vô nghĩa.