Kinhtedothi - Hai năm sau khi về báo Quân đội Nhân dân, tôi được cử tham dự đưa tin về hoạt động của Quốc hội. Đó là Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội Khóa VIII. Đây là lần đầu tiên, tôi được tham dự đưa tin, và cho đến nay, gần 30 năm theo dõi đưa tin hoạt động Quốc hội, với tôi, đây vẫn là kỳ họp sôi động và ấn tượng nhất. Đặc biệt là vấn đề bầu nhân sự cấp cao. Nó thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm cao đối với sự phát triển của đất nước của các đại biểu (ĐB) Quốc hội nước ta.
Hai ứng cử viên chức vụ người đứng đầu Chính phủ
Ngày 10/3/1988, đang ở năm thứ hai của nhiệm kỳ Chính phủ thì Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (HĐBT) Phạm Hùng đột ngột qua đời. Theo quy định của Hiến pháp, ngày 11/3/1988, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã ký quyết định cử ông Võ Văn Kiệt, khi ấy đang là Phó Chủ tịch Thường trực HĐBT làm quyền Chủ tịch HĐBT cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch HĐBT mới.
Đồng chí Đỗ Mười và đồng chí Võ Văn Kiệt (Ảnh tư liệu)
|
Tháng 6/1988, Quốc hội Khóa VIII họp kỳ thứ 3. Tại Kỳ họp này, nhiều người vẫn nghĩ ông Võ Văn Kiệt sẽ được đưa ra giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch HĐBT. Tuy nhiên, đến ngày bầu nhân sự thì ông Đỗ Mười (khi đó đang là Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch HĐBT) là người được giới thiệu vào chức vụ này. Hội trường Quốc hội trở nên sôi động hơn khi ĐB Quốc hội TP Hồ Chí Minh, bà Ba Thi - Nguyễn Thị Ráo phát biểu: “Chúng tôi tha thiết đề cử đồng chí Võ Văn Kiệt. Nhân dân miền Nam, nhất là Nhân dân Sài Gòn rất kính trọng đồng chí Võ Văn Kiệt. Vì vậy, tôi tha thiết đề nghị Quốc hội bầu đồng chí Võ Văn Kiệt”. Trong khi đó, ĐB Lý Chánh Trung lại đề nghị đưa cả hai ứng cử viên là ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt ra bầu. Ông Trung nói: “Một trong những động lực giúp chúng tôi vận động bà con Sài Gòn xuống đường là để chống bầu cử độc diễn ở Sài Gòn. Bây giờ, chúng ta có độc lập mà vẫn độc diễn thì chúng tôi khó ăn nói với bà con lắm”.
Quốc hội thảo luận sôi nổi và cuối cùng có tới 33/53 Đoàn ĐB Quốc hội đề cử ông Võ Văn Kiệt như là ứng cử viên thứ hai để đưa ra bầu Chủ tịch HĐBT. Khi ấy, ông Võ Văn Kiệt đã từ chối được đề cử và đề nghị: “Tôi là đảng viên, tôi tuân thủ nguyên tắc Đảng. Ban Chấp hành T.Ư đã giới thiệu đồng chí Đỗ Mười rồi thì nếu có gì khác, chúng ta phải báo cáo T.Ư”. Chủ tịch Quốc hội lúc bấy giờ là ông Lê Quang Đạo đã cho dừng thảo luận để xin thêm ý kiến.
Ngày 22/6/1988, Quốc hội đưa hai ứng cử viên là ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt ra để bầu vào chức danh Chủ tịch HĐBT. Đây là lần đầu tiên, và cho đến nay cũng là lần duy nhất bầu chức vụ người đứng đầu Chính phủ có 2 ứng cử viên. Chiều 22/6/1988, Quốc hội bỏ phiếu công khai, kết quả: ông Đỗ Mười đắc cử với 296 phiếu (63%); 168 đại biểu (37%) bỏ phiếu cho ông Võ Văn Kiệt.
Quốc hội ngày càng dân chủ hơn
Sau này, ở các nhiệm kỳ Quốc hội tiếp theo cũng đã có những lần Quốc hội tranh luận và đưa ra hai ứng cử viên cho một chức danh, tuy nhiên ở cấp thấp hơn.
Đó là bầu chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội Khóa X năm 1997 bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ông Vũ Đức Khiển (lúc đó đang là Phó Viện trưởng VKSND Tối cao) được giới thiệu là ứng cử viên duy nhất. Cùng lúc đó, bà Ngô Bá Thành (tên thật là Phạm Thị Thanh Vân, nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Quốc hội các Khóa VI, VII, VIII và IX), một luật sư nổi tiếng giơ tay xin ứng cử chức Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Theo bà Thành, việc bà xin ứng cử là “để cho mọi người thấy rằng, Đảng ta rất tôn trọng tự do bầu cử”. Tuy nhiên, sau đó, qua bầu cử, ông Vũ Đức Khiển thắng cử.
Một trường hợp nữa diễn ra tại Quốc hội Khóa XI, khi ông Nguyễn Văn An là Chủ tịch Quốc hội, người có công rất lớn trong việc cho báo chí tiếp cận gần hơn với các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 2005, bắt đầu thực hiện Luật Kiểm toán. Giai đoạn ấy, Kiểm toán Nhà nước đang trực thuộc Chính phủ và Chủ tịch Nguyễn Văn An khi đó đã đưa ra ý kiến là Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Quốc hội. Lúc bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước, ông Trần Văn Tá (đang là Thứ trưởng Bộ Tài chính, Phó ban Kinh tế T.Ư) được giới thiệu. Khi đưa ra Quốc hội, các ĐB giới thiệu thêm ông Vương Đình Huệ (khi đó là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước và kém ông Tá 10 tuổi). Tranh luận mãi, cuối cùng Quốc hội để nguyên tên của 2 vị này để Quốc hội bầu. Tuy nhiên, cả ông Tá và ông Huệ lại không đủ 50% số phiếu. Vì thế, Quốc hội đã để lại vị trí ấy và 6 tháng sau, ông Vương Đình Huệ được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành T.Ư Đảng thì tại Kỳ họp cuối năm, Quốc hội mới bầu ông Vương Đình Huệ làm Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Cũng cần phải nói rằng, việc bầu cho hai ứng cử viên Thủ tướng, hai ứng cử viên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và hai ứng cử viên cho vị trí Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ là những trường hợp xuất phát đơn lẻ ngoài dự kiến chứ không phải ý chủ định của Quốc hội. Điều này buộc Quốc hội phải xử lý các tình huống phát sinh. Sau này, nhiều vị ĐB Quốc hội nói rằng từ những trường hợp trên cần đưa vào thể chế, quy trình bầu cử là ít nhất phải có hai ứng cử viên.