Sau khi Kinh tế&Đô thị đăng tải, nhiều cán bộ, nhân viên tiếp tục bày tỏ bất bình việc HAIC bỏ dở việc cổ phần hóa (CPH) DN để thực hiện góp tài sản Nhà nước lập công ty cổ phần.
Dở dang cổ phần hóa…
Nhắc đến vấn đề này, ông Phạm Quyết Tới - Phó Giám đốc Chi nhánh tỉnh Hải Dương (trực thuộc HAIC) bức xúc cho biết, tháng 8/2014, Đảng ủy, Tổng Giám đốc cùng đại diện các tổ chức đoàn thể của HAIC đều biểu quyết 100% thống nhất đề nghị UBND TP Hà Nội và các sở, ngành chức năng cho phép Công ty được CPH. Tháng 9/2014, UBND TP Hà Nội đã có quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo CPH cho HAIC. Sau đó, UBND TP Hà Nội tiếp tục có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở Tài chính về việc chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam thực hiện xác định giá trị DN khi CPH với HAIC. Thời điểm đó, nhiều cán bộ, công nhân viên (CBCNV) hồ hởi mong đợi từng ngày được tự đóng góp vốn với tâm thế lao động phục vụ lợi ích cho Công ty cũng như cho chính bản thân họ. Thế nhưng đầu năm 2015, khi bà Vũ Thị Hồng Lĩnh - Phó Tổng Giám đốc phụ trách, Phó Bí thư phụ trách Đảng ủy của HAIC nghỉ hưu thì việc CPH DN cũng bị đình trệ…
Những tưởng việc CPH tiếp tục được thực hiện khi HAIC được bổ nhiệm lãnh đạo mới. Thế nhưng, CBCNV thêm bất an khi ông Vũ Tiến Thành - Tổng Giám đốc HAIC lại xin chủ trương góp tài sản trên 12ha đất của Nhà nước mà HAIC đang quản lý, kinh doanh để cùng 2 pháp nhân khác thành lập Công ty CP Nông nghiệp Hà Nội (GFS). Trong suốt quá trình đàm phán góp vốn, một mình ông Vũ Tiến Thành quyết định việc định giá tài sản trên đất cũng như các thỏa thuận hỗ trợ khác. Sau quá trình “bí mật” đàm phán của ông Tổng Giám đốc, phương án góp vốn thành lập GFS đã được thông qua với nhiều mập mờ khiến CBCNV hết sức bất bình. Ngoài việc có dấu hiệu “bỏ sót” tài sản trên đất tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không đưa vào định giá như báo Kinh tế & Đô thị đã nêu, thì việc 2 công ty khác cùng góp cổ phần GFS có trách nhiệm hỗ trợ 48 tỷ đồng cho HAIC lại mập mờ, “khó hiểu” đến khó tin.
“Việc góp vốn thành lập GFS của đơn vị, chúng tôi cho là khuất tất. Phương pháp định giá tài sản góp vốn, quy chế hoạt động, chiến lược phát triển của GFS đều không công khai cho cấp ủy, cán bộ chủ chốt HAIC… Đây là góp vốn kinh doanh hay có dấu hiệu thôn tính đất Nhà nước (?) và nếu mang 12ha đất góp vốn vào GFS thì công cuộc CPH Công ty sẽ thực hiện bằng cách nào?” – ông Phạm Quyết Tới lắc đầu than thở.
Định giá đất Nhà nước giá 400.000 đồng/m2!?
Theo phương án, HAIC sẽ góp 10 tỷ đồng bằng giá trị tài sản trên đất để cùng 2 công ty bên ngoài thành lập GFS. Vốn điều lệ của GFS là 25 tỷ đồng, HAIC góp 10 tỷ đồng bằng giá trị tài sản trên đất, tương ứng với 40% vốn điều lệ. Phần tài sản mà HAIC góp vốn là 7 cơ sở nhà, đất có tổng diện tích khoảng 12ha.
Tìm hiểu về vấn đề này, một cán bộ chủ chốt của HAIC (xin được giấu tên) cho biết, tài sản trên đất của HAIC góp vốn vào GFS tại 7 cơ sở nhà, đất, bao gồm: Xã Mai Lâm, Đông Anh (9.906m2 đất, 189m2 nhà); xã Xuân Nộn, Đông Anh (19.000m2 đất, 802m2 nhà); thị trấn Phủ Lỗ, Sóc Sơn (4.138m2 đất); xã Quất Động, Thường Tín (21.162m2 đất); xã Tiên Phong, Ba Vì (16.556,3m2 đất); phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm (38.828m2 đất); phường Tây Tựu, Bắc Từ Liêm (4.148,5m2 đất, 637,7m2 nhà). Theo thống kê trên 7 cơ sở nhà, đất này chỉ có khoảng 1.600m2 nhà/khoảng 120.000m2 đất và có 4/7 cơ sở chỉ là đất. Vậy, tại sao mang 4 cơ sở chỉ là đất (khoảng 80.000m2 đất) để góp vốn tài sản trên đất(!?). Việc định giá tài sản trên đất là những gì, theo xác định pháp lý nào thì đa số CBCNV không được biết. Đặc biệt, trong phương án góp vốn, 2 công ty khác là cổ đông của GFS phải có trách nhiệm hỗ trợ HAIC 48 tỷ đồng theo cam kết thì CBCNV mù mịt như bước vào mê cung. Nếu coi đây là tài sản đất dùng để góp vốn thì HAIC đang định giá “bán” 12ha đất có vị trí đắc địa tại một số quận, huyện trong Hà Nội lấy 48 tỷ đồng (tương đương 400.000 đồng/m2 đất). Trong các cuộc họp cán bộ chủ chốt gần đây, nhiều lãnh đạo các phòng, ban của HAIC yêu cầu ông Vũ Tiến Thành là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc phải công khai, minh bạch các giấy tờ pháp lý liên quan đến việc thỏa thuận hỗ trợ cũng như hợp đồng nguyên tắc của HAIC khi mang tài sản trên 12ha đất góp vốn cho GFS. Tuy nhiên, ông Thành luôn né tránh vấn đề này.
Để làm rõ vấn đề, phóng viên liên hệ trao đổi nhưng ông Vũ Tiến Thành tiếp tục từ chối, chưa cung cấp thông tin. Ông Thành cho biết, đang rà soát, tập hợp lại những kiến nghị của CBCNV về minh bạch văn bản pháp lý của HAIC trong phương án góp vốn thành lập GFS. Tuy nhiên, do CBCNV đã kiến nghị đến một số cơ quan chức năng cấp trên nên sau khi làm rõ sẽ thông tin đến các cơ quan truyền thông.
Thiết nghĩ, việc yêu cầu minh bạch các giấy tờ pháp lý cũng như quyền lợi của CBCNV trong phương án HAIC góp vốn thành lập GPS là chính đáng. Hiện tại, hầu hết CBCNV của HAIC mong mỏi các cơ quan chức năng sớm khách quan làm rõ những vấn đề nêu trên.
Góp vốn Nhà nước để kinh doanh hay CPH DN Nhà nước là chủ trương rất đúng đắn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có không ít trường hợp lợi dụng CPH để trục lợi cá nhân. Do vậy, nhằm đảm bảo minh bạch, khách quan cũng như bảo toàn tối đa tài sản của Nhà nước, DN trước khi tiến hành góp vốn hoặc CPH cần công bố phương pháp định giá tài sản cũng như các thỏa thuận pháp lý khác có liên quan. Luật sư Bùi Quang Thu Đoàn Luật sư TP Hà Nội |