Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hầm và cầu dành cho người đi bộ: Chưa phát huy hiệu quả vì thói quen tùy tiện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hầm và cầu vượt dành cho người đi bộ là một giải pháp tối ưu để giảm TNGT, đặc biệt đối với người đi bộ khi qua đường. Trên địa bàn thành phố, rất nhiều hầm, cầu dành cho người đi bộ đã được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, có rất ít cầu, hầm phát huy được tác dụng mà nguyên nhân chính là thói quen tùy tiện của người dân.

Có cũng như không

Một chuyên gia giao thông người Nhật của Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khi đến Hà Nội thổ lộ với các phóng viên, phải mất 3 tháng kể từ khi đặt chân đến Hà Nội ông mới dám tự sang đường một mình.

Vào thời điểm đó, TP Hà Nội hầu như không có hầm, cầu dành cho người đi bộ. Sau này UBND TP Hà Nội mới đầu tư xây dựng hàng loạt hầm, cầu dành cho người đi bộ với mong muốn bảo đảm an toàn cho người đi bộ mỗi khi sang đường. Nhưng thực tế hiện nay vẫn có rất nhiều người đi bộ chọn cách sang đường mạo hiểm là băng qua dòng xe cộ dày đặc, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng bản thân và cho các phương tiện lưu thông trên đường.

Để có tư liệu cho bài viết này, phóng viên đã dành vài ngày để quan sát tại các vị trí có hầm, cầu dành cho người đi bộ và nhận thấy… có rất ít người chọn giải pháp sang đường bằng hầm, hay cầu đi bộ. Điểm đầu tiên là cầu vượt trước cổng trường Đại học GTVT, dù là giờ cao điểm, nhưng có rất nhiều sinh viên hồn nhiên băng qua đường. Trong khi cách đó chỉ vài chục mét là cầu vượt dành cho người đi bộ lại hầu như không có người đi. Đứng tại khu vực trên trong vòng 1 giờ đồng hồ, hầu hết các sinh viên đều chọn cách băng qua đường để vào trường hoặc đi xe buýt. Tại cầu vượt trên phố Chùa Bộc, trước cổng Học viện Ngân hàng, nhiều sinh viên vẫn sang đường ngay dưới chân cầu vượt. Tại cầu vượt trên phố Lê Thanh Nghị - Giải Phóng lại có khá đông người qua lại trên cầu, tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên, việc có đông người đi bộ sử dụng cầu vượt vì do dải phân cách giữa đường đã bị rào kín. Điều đáng nói, tại cầu này, dưới chân cầu thang lên xuống cầu đã bị người dân lấn chiếm bán hàng rong, trà đá, quán cơm. Vỏ hoa quả, kẹo, thuốc lá… vứt bừa bãi khắp nơi rất nhếch nhác, bẩn thỉu.

Cầu vượt cho người đi bộ đã vậy, hầm dành cho người đi bộ còn bi đát hơn, với tâm lý ngại đi bộ xa, đi xuống hầm vắng vẻ (dù tất cả các hầm đi bộ đều được bố trí hệ thống chiếu sáng đầy đủ) nên rất ít người dân chọn hầm đi bộ để sang đường. Thống kê cho thấy, hiện cả TP có khoảng 20 hầm dành cho người đi bộ nhưng hầu hết đều không phát huy tác dụng.

Vẫn chỉ là kêu gọi và tuyên truyền

Chế tài xử phạt người đi bộ đi sai Luật Giao thông đã có nhưng đến khi triển khai ra thực tế thì chính các đơn vị làm nhiệm vụ kiểm tra, xử lý trên đường lại lúng túng. Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, vào năm 2008, JICA và UBND TP Hà Nội đã phối hợp thực hiện một đợt tuyên truyền kêu gọi người dân đi bộ sang đường đúng chỗ, đúng nơi quy định. Trong đợt tuyên truyền này, nếu ai vi phạm sẽ được phát một phiếu nhắc nhở trong đó có nội dung vận động hãy sang đường đúng quy định. Sau này, khi hết tuyên truyền, đến xử phạt mới là vấn đề nan giải. "Người điều khiển xe máy, ô tô, hay xe đạp khi vi phạm Luật Giao thông sẽ bị xử phạt nếu không chấp hành sẽ tạm giữ bằng lái, phương tiện. Trong khi đó, người đi bộ chỉ đi người không, thậm chí là đi tập thể dục không có giấy tờ tùy thân, mà lực lượng làm nhiệm vụ trên đường không có thẩm quyền giữ người nên chẳng nhẽ tạm giữ giầy hay dép của người vi phạm" - ông Mạnh nói. Việc xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông hiện vẫn thiếu chế tài mạnh. Bởi thực tế, khi xảy ra va chạm giao thông, phần lớn người điều khiển ô tô, xe máy phải bồi thường thiệt hại cho người đi bộ, trong khi, người đi bộ đi dưới lòng đường, nơi không có biển báo ưu tiên dành cho họ. Hiện mới chỉ có 2 vụ xử phạt tù người đi bộ gây TNGT tại Hải Dương và TP. Hồ Chí Minh nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.

Đã đến lúc các cấp, ngành cần vào cuộc kêu gọi, vận động, tuyên truyền người dân chấp hành Luật Giao thông bằng cách sang đường đúng nơi quy định. Đồng thời trao thêm quyền hạn cho lực lượng làm nhiệm vụ trên đường để có thể bắt buộc người dân sử dụng hầm, cầu dành cho người đi bộ tránh để tình trạng hầm, cầu đi bộ có cũng như không như hiện nay.