Đó là thông tin từ ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, hoạt động BHĐC được pháp luật Việt Nam thừa nhận từ năm 2004. Nhằm hạn chế những bất cập, biến tướng trong hoạt động kinh doanh này, ngày 9-3-2016, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC.
Sau 6 tháng thi hành Chỉ thị số 02/CT-BCT, công tác quản lý Nhà nước về BHĐC đã có những chuyển biến tích cực. Đến tháng 9-2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC đối với 9 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp BHĐC đã giảm còn 50 doanh nghiệp đang hoạt động, số lượng người tham gia BHĐC hiện có 500.000 người (giảm 57% so với gần 1,2 triệu người của cùng kỳ năm 2015). Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp BHĐC đạt tổng doanh thu 4.000 tỷ đồng, đóng thuế 452 tỷ đồng.
Trước một số ý kiến cho rằng cần xem xét có nên duy trì hoạt động BHĐC nữa không vì trên thực tế đã phát sinh nhiều hệ lụy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận hoạt động BHĐC hiện đang biến tướng khó lường, khó quản lý song không phải vì thế mà loại bỏ, bởi đây là một loại hình kinh doanh hiện đại, không thể phủ nhận trong tổng thể hoạt động thương mại của một quốc gia đang phát triển, hội nhập sâu rộng. Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Cục Quản lý cạnh tranh tính toán phương án hạn chế cấp phép mới cho các doanh nghiệp BHĐC trong bối cảnh đang sửa đổi, hoàn thiện Nghị định số 42/2014/NĐ-CP cũng như khuân khổ pháp lý quản lý BHĐC.