Hạn chế phương tiện cá nhân: Bắt đầu từ xe máy cũ nát

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội hiện có khoảng 2,6 triệu xe máy cũ, tuổi thọ từ 15 năm trở lên. Không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) cho người sử dụng và người dân xung quanh, đây còn là nguồn phát thải ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng vào môi trường không khí.

Hiểm hoạ
Một thợ sửa chữa xe máy chuyên nghiệp - anh Nguyễn Hồng Việt (Hà Đông) nhận định: “Nếu sửa chữa, bảo dưỡng thường xuyên, một chiếc xe máy có thể đáp ứng các tiêu chí an toàn trong 10 năm; lâu hơn nữa thì không ai dám chắc chiếc xe sẽ bị những “bệnh” gì, bị lúc nào. Nếu chẳng may hỏng đột ngột khi đang chạy, chúng sẽ là hiểm họa thực sự với người điều khiển”. Vậy nhưng, theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, trong số 5,2 triệu chiếc xe máy thống kê được tại Hà Nội thì có tới gần một nửa đã được đưa vào lưu hành từ 15 - 25 năm. Con số này tương đương với khoảng 2,6 triệu chiếc xe máy cũ nát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho chính người sử dụng và cả những người xung quanh khi lưu thông.

Xe máy cũ nát lưu thông trên đường và nguy cơ mất an toàn giao thông. Ảnh: Công Hùng

Chị Trương Thị Hà (Cầu Giấy) chia sẻ, mới đây khi điều khiển chiếc xe máy nhãn hiệu Honda của gia đình, mua từ năm 1999, đi trên đường Xuân Thủy, đột ngột chiếc xe chết máy khiến chị bị xe đằng sau đâm mạnh, phải vào viện điều trị một thời gian. Tương tự, hàng triệu chiếc xe máy cũ nát tại Thủ đô đang được cố gắng sử dụng hoặc luân chuyển, bán sang tay qua nhiều chủ mà cả người mua lẫn người bán đều không ý thức được mức độ nguy hiểm của nó. Nhiều xe được dùng để chở hàng hóa cồng kềnh, thậm chí móc kéo cả xe bò phía sau hay lắp thêm thùng sọt, bằng mắt thường cũng có thể thấy đã quá khổ, quá tải. Không chỉ gây cản trở, UTGT, những chiếc xe cũ nát này còn là hiểm họa đối với người tham giao thông; gây mất mỹ quan đô thị. Ông Trần Tuấn Chỉnh (Đống Đa) cho rằng: “Nếu muốn hạn chế xe máy, hãy bắt đầu từ những chiếc xe cũ nát kia, loại bỏ chúng để đảm bảo ATGT và văn minh đô thị”.
Gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống
Nghiên cứu về chất lượng không khí do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh GreenID thực hiện chỉ ra rằng, chỉ số  ô nhiễm môi trường không khí AQI trung bình của TP là 123 (ở mức kém), nồng độ bụi PM2,5 gấp 5 lần ngưỡng trung bình theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Ông Nguyễn Văn Thanh (Hai Bà Trưng) nhìn nhận, một trong những thiếu sót lớn cần phải làm ngay là đưa ra bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về lượng phát thải để đánh giá tác động của xe máy cũ đối với môi trường Hà Nội. “Tôi chắc rằng, nếu có bộ chỉ số chuẩn để quy chiếu thì số lượng xe máy không đảm bảo tác động môi trường sẽ còn cao hơn nữa”. Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, nếu được các cấp chức năng thông qua, từ nay đến 30/6/2018, Hà Nội sẽ tiến hành hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn về kỹ thuật và môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy. Đồng thời, TP cũng sẽ tiến hành xây dựng một số cơ sở kiểm định khí thải xe máy; tổ chức đào tạo cho kỹ thuật viên, nhân viên nghiệp vụ chuyên trách.
Nhiều chuyên gia còn lưu ý rằng, không chỉ khói, bụi mà ngay cả tiếng ồn của xe máy cũng là một nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống. Trong quá trình xây dựng bộ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và môi trường đối với xe máy, cơ quan chức năng cần đưa cả tiêu chí “độ ồn cho phép” vào danh mục bắt buộc đối với loại phương tiện này.
Bụi PM 2,5 là các hạt bụi lơ lửng trong không khí có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5micromet, mật độ các hạt này càng cao thì mức độ ô nhiễm càng nguy hiểm.
AQI là chỉ số được tính toán từ thông số quan trắc các chất ô nhiễm trong không khí. Mức AQI 123 của Hà Nội hiện nay sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến nhóm người già, trẻ em và người bị bệnh liên quan đến hô hấp.

Khảo sát của Viện Chiến lược cũng chỉ ra rằng, trong 6 nguồn gây ô nhiễm không khí của Hà Nội thì xe máy và ô tô chiếm tới 70% lượng chất độc thải môi trường. Và phần lớn lượng khói bụi độc hại này phát thải ra từ 2,6 triệu chiếc xe máy cũ nát vẫn đang hằng  ngày lưu thông trên đường phố Thủ đô.