Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế sử dụng USD, Nga tự làm khó mình?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần đây, Nga triển khai một số biện pháp làm giảm thiểu việc sử dụng đồng bạc xanh trong giao dịch.

Quyết định từ hạn chế cho tới thay đổi hoàn toàn giao dịch bằng đồng USD sang đồng Ruble nội tệ được cho là nỗ lực giúp Moscow giảm phụ thuộc vào biến động thị trường đồng USD và các giá trị thương mại bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
Mục đích hạn chế sử dụng USD của Nga nhằm giảm biến động kinh tế phụ thuộc vào đồng bạc xanh.

Một trong những động thái nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD của Nga là thúc đẩy mua hàng chục tấn vàng hồi năm ngoái. Theo Bloomberg, trong nhiều năm qua, chính quyền Tổng thống Nga đã nỗ lực giảm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ và châu Âu, bao gồm dự tính nâng dự trữ ngoại hối lên mức 500 tỷ USD trong vài năm tới. Năm 2014, đồng Ruble chịu cú sốc giảm mạnh ngay sau khi Moscow đối diện các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây, đồng thời giá dầu lao dốc.
Giới phân tích cho rằng, Nga đẩy mạnh mua vàng là chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và phòng ngừa cho những cú sốc tỷ giá như vài năm trước. Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo đưa đồng nội tệ làm đơn vị tiền tệ chính trong các giao dịch tại tất cả các cảng biển của Nga, thay vì USD.
Câu hỏi đặt ra là, việc này có thực sự tác dụng? Trên thực tế, với yêu cầu ngừng giao dịch USD tại cảng biển, các giao dịch này vẫn diễn ra dưới hình thức khác, do thanh toán dùng tiền mặt hay không dùng tiền mặt thì USD vẫn hiện diện trong các nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại cảng biển của Nga, chỉ có điều khi Ruble chưa thay thế thì các đơn vị kinh tế Nga phải bỏ USD ra, còn khi Ruble thay thế thì Chính phủ Nga thu USD về. Ví dụ, khi còn thanh toán bằng USD, các đơn vị kinh tế của Nga phải mua USD để thanh toán cho đối tác, còn khi thanh toán bằng Ruble thì các đối tác phải mua Ruble thanh toán cho các đơn vị kinh tế của Nga.
Trong khi Ruble không có trong quỹ dự trự ngoại hối của các quốc gia, không được sử dụng rộng rãi trong thanh toán quốc tế, do vậy đối tác của DN Nga phải mua Ruble từ Ngân hàng T.Ư Nga. Trong trường hợp đó, Chính phủ Nga sẽ thu về USD. Thực ra, đây chỉ là một bài toán nhằm tránh cho kinh tế Nga gặp bất lợi khi khan hiếm ngoại tệ trong bối cảnh bị cấm vận, chứ không hẳn tách kinh tế Nga khỏi USD. Thực chất biện pháp này mang tính tạm thời và chưa rõ có đem lại lợi ích kinh tế cho Nga.
Bên cạnh đó, việc dừng giao dịch USD tại cảng biển khiến cho các DN Nga có nguy cơ mất đi nhiều cơ hội cũng như lợi ích trong quan hệ với đối tác và bị đối thủ cướp mất khách hàng. Bởi việc thay thế USD bằng Ruble khiến cho mọi hoạt động thanh toán đều phải diễn ra thêm ít nhất một nghiệp vụ kinh tế phát sinh, cộng với đó là gia tăng chi phí. Nguyên nhân chính là do Ruble chỉ là nội tệ Nga, chưa thuộc giỏ các đồng tiền mạnh quốc tế để có thể giao dịch rộng rãi cho các thực thể kinh tế khác. Khi đó, các đơn vị kinh tế Nga phải đánh đổi lợi ích để giữ đối tác, thậm chí phải cắt giảm lợi ích để có thể cạnh tranh với các đối thủ. Giới phân tích cho rằng, các DN Nga có thể phải giảm giá đồng thời với tăng chí phí dịch vụ hậu mãi.