Động thái trên của Hanjin diễn ra sau khi ngân hàng quyết định chấm dứt hỗ trợ tài chính cho “gã khổng lồ” ngành vận tải biển thế giới. Tuyên bố phá sản của Hanjin đã khiến cho các tàu hàng, container và rất nhiều thủy thủ của hãng mắc kẹt trên biển do không thể cập cảng vì lo ngại các tàu hàng sẽ bị tịch thu để siết nợ. Được biết, Hanjin đang tìm cách xin bảo hộ phá sản ở hơn 40 quốc gia nhằm ngăn không để các chủ nợ bắt tàu.
Trong vòng 5 năm qua, đã có tới 4 năm Hanjin chìm trong tình cảnh làm ăn thua lỗ. Bên cạnh đó, suy thoái kinh tế toàn cầu nói chung và ở Hàn Quốc nói riêng những năm gần đây đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của ngành công nghiệp vận tải biển. Sự cạnh tranh gay gắt và cước phí vận tải giảm đã khiến Hanjin mắc nợ 5,4 tỷ USD trước khi các chủ nợ từ chối cấp thêm vốn cho hãng. Việc Hanjin “ngã ngựa” đã khiến thị trường giao nhận thế giới chao đảo. Nhiều DN Việt trở tay không kịp bởi Hanjin là đơn vị chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Trong nỗ lực nhằm “cứu vớt” nhà vận chuyển container đường biển lớn thứ 7 thế giới khỏi bờ vực phá sản, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố sẽ cung cấp cho Hanjin một khoản vay dài hạn với lãi suất thấp trị giá 100 tỷ Won (khoảng 91 triệu USD). Ngay sau khi thông tin trên được công bố, cổ phiếu của Hanjin đã tăng hơn 20%. Trong một động thái khác, Thứ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết, đại diện Hanjin sẽ liên hệ với các cảng biển tại Singapore, Hamburg (Đức) và Busan (Hàn Quốc) - nơi các tài sản của hãng đang bị mắc kẹt, để thương lượng việc dỡ hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, sự hỗ trợ của Chính phủ với Hanjin “quá nhỏ bé” và khó vực dậy ngành đóng tàu nói chung. Và nếu không có biện pháp đối phó triệt để, những sự cố tương tự Hanjin sẽ đẩy ngành đóng tàu – niềm tự hào cũng như đóng vai trò chủ chốt trong tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sẽ tiếp tục rơi vào cảnh chìm nổi.