Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàn Quốc - thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng gần 87 lần trong hơn 2 thập kỷ qua, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 43,4 tỷ USD năm 2016.

Đó là con số được đưa ra tại Chương trình Hội thảo với chủ đề “Đẩy mạnh phát triển thương hiệu Việt sang thị trường Hàn Quốc”, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/10.
 Các đại biểu tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Anh
Trong 9 tháng qua, con số này cũng tiếp tục tăng khi đạt 45,09 tỷ USD. Cho đến nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc trong năm 2017 đã có sự thay đổi khi Hàn Quốc vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nguyên nhân chính của thực trạng này là do Hàn Quốc dẫn đầu về lượng vốn FDI vào nước ta và các DN FDI này chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất từ chính quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 34,41 tỷ USD tăng 46,5% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ tăng 15,6% và đạt 41,6 tỷ USD. Theo đó, thâm hụt thương mại với Hàn Quốc ở mức hơn 24 tỷ USD, gia tăng cách biệt với mức thâm hụt với Trung Quốc, đạt 19,7 tỷ USD.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc (chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2015). Quá trình thực thi FTA này là động lực để thương mại giữa hai nước cải thiện đáng kể, đồng thời dẫn tới nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh khi Hàn Quốc tận dụng ưu đãi tốt hơn.
Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng các điều kiện để được hưởng ưu đãi từ trước khi FTA có hiệu lực. Do vậy, đến khi hiệp định này đi vào thực thi, hàng hóa của Hàn Quốc có thể vào Việt Nam ngay bởi hàng hóa của họ đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như chất lượng. Trong khi đó, hàng hóa của Việt Nam thì chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng. Nhìn từ tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp Việt Nam có thể thấy rõ điều đó. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi từ FTA mới đạt 40%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng C/O để hưởng ưu đãi từ FTA chỉ ở mức 15%.