Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàn Quốc xem xét tới hiệp định FTA riêng với Anh

Hà PhươngTheo Yonhap
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để chuẩn bị các bước ứng phó từ hậu quả cuộc bỏ phiếu Brexit, Hàn Quốc sẽ thực hiện cuộc đàm phán thương mại song phương (FTA) mới với Liên minh châu Âu (EU) và nước Anh.

Hãng thông tấn Yonhap ngày 26/6 đưa tin, để chuẩn bị các bước ứng phó với hậu quả từ Brexit, Hàn Quốc sẽ thực hiện cuộc đàm phán thương mại song phương (FTA) mới với cả EU và nước Anh. Theo đó, chính quyền của bà Park Geun-hye và EU đã ký thỏa thuận FTA vào năm 2009. Thời điểm đó, Anh vẫn còn nằm trong 28 nước thành viên của EU, do vậy những hiệp định FTA được ký với EU, Anh được hưởng lợi từ đó.
Hàn Quốc xem xét tới hiệp định FTA riêng với Anh - Ảnh 1
Hàn Quốc xem xét tới việc ký hiệp định FTA với Anh.
Tuy nhiên, khi cử tri Anh ủng hộ Brexit đồng nghĩa với việc nước này sẽ bị loại ra khỏi các FTA mà EU đã ký với nhiều nước trên thế giới. Mặc dù vậy, chính phủ Hàn Quốc mới đây cũng cho biết sẽ xem xét tới khả năng ký riêng một hiệp định FTA với nước Anh, sau khi nước này hoàn toàn “rời” EU. Hiện tại, ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Park Geun-hye là giảm thiểu tác động tiêu cực “hậu” Brexit tới các DN cũng như nền tài chính nước này.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Yoo Il-ho đã đưa ra cam kết, chính phủ Hàn Quốc sẽ thực hiện “các biện pháp ổn định tích cực nhất” để giải quyết bất ổn trên thị trường hiện nay do tác động của Brexit.

Trong cuộc họp khẩn nhằm thảo luận về cách đối phó với những biến động tài chính đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tác động của Brexit, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Yoo Il-ho cho biết, chính phủ sẽ chi ngân sách cho các biện pháp nhằm ổn định tình hình tài chính. Theo đó, với hơn 370 tỷ USD từ vốn dự trữ ngoại tệ, chính phủ Hàn Quốc có nhiều khả năng đưa nền tài chính, kinh tế về mức ổn định sau tác động từ Brexit.

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cũng cho biết, hợp tác quốc tế thời điểm này cũng rất quan trọng nhằm đối phó với bất ổn của thị trường tiền tệ. “Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) và nhóm các nước G7 đã kịp thời đưa ra kế hoạch giúp thị trường tài chính ổn định và Hàn Quốc sẵn sàng góp phần đảm bảo ổn định tài chính toàn cầu thông qua Nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng (G20)”, ông Yoo Il-ho nói thêm.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc, cuộc khủng hoảng đang diễn ra khác biệt rất lớn so với các cuộc khủng hoảng tài chính trong lịch sử và rất khó để dự đoán nó sẽ kéo dài bao lâu. Sự tụt dốc của thị trường tài chính và suy giảm thương mại bởi ảnh hưởng của Brexit có thể cản trở sự phục hồi của nền kinh tế toàn cần.