KTĐT - Quán phở, bún chả ngon có tiếng trên phố Đê La Thành ngày thường chỉ 15.000 đồng một suất bún, 17.000 đồng một bát phở bò tái, chín, thì trưa mùng 5 Tết, giá là 30.000 đồng và 40.000 đồng.
Sáng mùng 4 Tết, ăn một bát bún riêu cua tại quán ăn tạm trên đường Cầu Giấy, chị Ngọc Mai ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) phát hoảng vì chủ hàng quát giá 40.000 đồng, đắt gấp đôi ngày thường.
Thắc mắc bát bún tám phần nước hai phần cái, lèo tèo mấy cọng rau cần, vài lát đậu phụ rán mỏng tèo mà giá tới 40.000 đồng, chị Mai nhận được câu trả lời từ bà chủ hàng: "Chỗ nào chả thế, ăn rồi thì đừng có phàn nàn. Năm ngoái tầm này 50.000 đồng một bát không có mà ăn đâu".
Cùng cảnh ngộ, chị Như nhà ở Phố Huế cho hay, chiều mùng 3 Tết, cả gia đình chị đi lễ phủ Tây Hồ, ghé vào quán ăn bên ngoài cổng phủ ăn bát phở, bị "chém" 50.000 đồng một bát. "Bốn người bốn bát 200.000 đồng, ức ơi là ức nhưng không làm gì được vì trót… ăn vào bụng mất rồi", chị Như bức xúc. Chị bảo, lần sau, đi ăn gì phải hỏi giá trước, chấp nhận ngượng mặt còn hơn bị "chém" tơi tả như thế này.
Giải thích về lý do tăng giá, chị Thu - bán bún chả trên đường Hoàng Quốc Việt nói, các nguyên liệu đầu vào như thịt lợn, rau thơm, bún… đều tăng so với trước Tết nên giá một suất cũng phải điều chỉnh từ 15.000 đồng lên 30.000 đồng một suất. Tuy nhiên, chị này cũng thừa nhận, việc tăng giá mạnh là do "các hàng khác đều bán giá đó, nên tôi phải theo, tội gì…".
Theo khảo sát của PV, những quán ăn ngoài mặt phố, giá bị đẩy lên cao hơn so với trong ngõ hẹp, nhỏ. Mức giá phổ biến cho một bán bún riêu cua, bún ốc là 35.000- 40.000 đồng, cao gấp đôi ngày thường.
Quán phở, bún chả ngon có tiếng trên phố Đê La Thành ngày thường chỉ 15.000 đồng một suất bún, 17.000 đồng một bát phở bò tái, chín, thì trưa mùng 5 Tết, giá là 30.000 đồng và 40.000 đồng.
Chủ hàng này cho hay, đã thành lệ, sau Tết, phải tăng giá lên vì ít khách và những hàng xung quanh cũng tăng. Nhưng theo một nhân viên bưng bê tại quán phở này, Tết là dịp khách ghé quán nhiều hơn, có nhiều khách lạ, nên chủ hàng mới tha hồ "chặt chém". "Còn với những khách quen, ngày nào cũng ăn và chủ hàng đã nhớ mặt, nhớ tên, thì dĩ nhiên giá vẫn chỉ như cũ", anh này nói.
Trong khi đó, chị Lý, bán bún cá, bún ngan tại ngõ 199 Hồ Tùng Mậu thì cho hay, mở hàng từ hôm mùng 5 Tết, nhưng quán nhà chị vẫn giữ giá. Chị bảo, ra Tết, các loại rau ăn kèm với bún cá, bún ngan như rau thơm, cần, cải... còn rẻ hơn hồi trong năm; thịt thì có đắt hơn chút ít, nhưng so đi bù lại, bán giá như ngày thường vẫn có lãi nên không tăng giá.
Theo chị, việc những người bán hàng vin vào lý do giá nguyên liệu làm đồ ăn tăng là không đúng. Thực tế, sau Tết, giá một số loại rau củ còn giảm đi đáng kể.
Không chỉ hàng ăn, nhiều điểm bán đồ cúng như cành vàng cành bạc, đồ mã, hoa quả tươi… tại cổng phủ cũng tranh thủ "chặt chém" dịp đầu năm mới. Một cành vàng cành bạc, giá ngày thường ở phố Hàng Mã chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng thì tại cổng phủ, có giá từ 90.000 -120.000 đồng. Tương tự, các loại hoa quả tươi làm đồ cúng lễ bán tại khu vực cổng phủ, giá cũng cao gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với ngoài chợ.