Điều này có thể khiến khoản bồi thường của công ty Nhật Bản tăng lên, khi bê bối làm giả số liệu chất lượng sản phẩm thép đang lan rộng. Boeing không mua trực tiếp các bộ phận bằng nhôm này từ Kobe Steel nhưng các nhà cung cấp chính của Boeing tại Nhật Bản như Mitsubishi, Kawasaki và Subaru sử dụng.
Nhà sản xuất máy bay Mỹ đang tiến hành một cuộc khảo sát để đánh giá mức độ và thành phần thép trong sản phẩm của mình và sẽ chia sẻ kết quả với hãng hàng không.
Ngoài ra, 2 công ty đường sắt lớn của Nhật cũng cho biết đã sử dụng thép của công ty Kobe Steel để sản xuất một số tàu điện cao tốc.
Công ty đường sắt miền Trung Nhật Bản (CJP) đang điều hành các chuyến tàu cao tốc giữa Tokyo và Osaka đã phát hiện các bộ phận bằng nhôm sử dụng trong phần nối bánh xe với các toa tàu là sản phẩm của Kobe Steel. Tổng cộng có 310 bộ phận không đạt tiêu chuẩn.
Công ty Đường sắt Tây Nhật Bản (WJR) cũng phát hiện các bộ phận nhôm không đạt tiêu chuẩn trong các cao tốc do Hitachi và Nippon Sharyo sản xuất.
Đại diện cả 2 công ty đều khẳng định, các bộ phậ không ảnh hưởng đến độ an toàn của các tàu cao tốc. Các bộ phận này đang được cân nhắc thay thế trong quá trình bảo trì định kỳ.
Trước đó, một cuộc điều tra nội bộ cho thấy dữ liệu đã được làm giả cho khoảng 19.300 tấn sản phẩm nhôm, 2.200 tấn sản phẩm đồng và 19.400 sản phẩm đúc nhôm và được giao cho các khách hàng từ tháng 9/2016 đến tháng 8/2017.
Vụ bê bối giả mạo số liệu của Kobe Steel đang ảnh hưởng đến một loạt các ngành công nghiệp tại Nhật Bản, với ngày càng nhiều nhà sản xuất cho biết họ đã sử dụng các sản phẩm nhôm của tập đoàn trên trong sản xuất ô tô, tàu hỏa, tên lửa và thậm chí thiết bị quốc phòng.