Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc xử lý vi phạm. Tuy nhiên, gần đây lại tái phát tình trạng này tại thôn Nguyên Hanh. Có sự “tiếp tay”? Theo đó, khoảng năm 2011, tại khu vực xứ đồng Vạn Thọ, quán Đôi, cửa Ao (ven QL1A cũ), người dân đua nhau chuyển nhượng ao và ĐNN. Một số trường hợp san lấp làm mặt bằng trồng cây, một số làm bãi tập kết buôn bán gỗ. Nhưng vi phạm nghiêm trọng xảy ra tại các xứ đồng này phải kể đến từ cuối năm 2015 tới nay, các trường hợp tiếp tục đua nhau san lấp hàng chục ngàn mét vuông ao, ĐNN rồi dựng nhà, xưởng bằng khung sắt, mái tôn. Tính đến thời điểm này, có khoảng 11 công trình nhà xưởng “khủng” đã đi vào hoạt động.
Theo quan sát của phóng viên, công trình nhà, xưởng vi phạm lớn nhất rộng khoảng 300m2, nhỏ nhất rộng hơn 100m2. Tất cả đều được Công ty Điện lực Thường Tín cấp điện để sản xuất. Hiện còn có một số nhà, xưởng đang xây tường bao quanh và dựng khung sắt nhưng phải dừng lại do lực lượng chức năng những ngày gần đây kiểm tra, xử lý gắt gao. Có trường hợp vừa san lấp ao chưa kịp thực hiện ý đồ, nên trồng... hàng trăm cây chuối để nghe ngóng động thái vào cuộc của chính quyền địa phương xem có quyết liệt không rồi thực hiện bước tiếp theo là xây dựng nhà, xưởng. Một số người dân địa phương bộc bạch, nhiều chủ công trình ở đây đã được cán bộ xã “bật đèn xanh” bằng cách “làm ngơ” để cho xây dựng vào ngày nghỉ, ngày lễ, ban đêm. Họ chỉ cần chuẩn bị đầy đủ vật liệu xây dựng, nhân lực, chỉ trong 2 - 3 ngày là dựng xong nhà xưởng, khi người dân có ý kiến thì sự… đã rồi. Lúc này, UBND xã chỉ thực hiện việc lập biên bản, tuyên truyền, vận động các trường hợp tự tháo dỡ công trình nhằm “làm phép”. Thậm chí, có trường hợp UBND xã còn cẩn thận ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính… cho xong chuyện (!?). Lập hồ sơ, xây dựng kế hoạch xử lý Theo ông Đào Mạnh Cường - cán bộ Địa chính xã Văn Tự, cuối năm 2015, có 4 công trình nhà, xưởng làm tại xứ đồng Vạn Thọ, quán Đôi, cửa Ao đã bị UBND xã cưỡng chế. Tháng 2 và 3/2016, UBND xã phát hiện ông Đinh Văn Phong dựng nhà xưởng rộng 270m2 và ông Đinh Văn Tể dựng nhà xưởng rộng 180m2. Ngay sau đó, UBND xã lập biên bản, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mỗi trường hợp 2 triệu đồng, đồng thời yêu cầu tháo dỡ công trình, hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, cả 2 trường hợp đều không chấp hành. Vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Lê Văn Kiều và ông Lê Văn Thuật san lấp ao rồi tiến hành dựng 2 nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông... Ông Cường cho biết: “Do lực lượng chuyên môn mỏng, sự hỗ trợ của cán bộ huyện còn hạn chế, số lượng công trình vi phạm lại lớn nên việc xử lý thời gian tới sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn”. Chủ tịch UBND xã Văn Tự Phạm Văn Tuyên thừa nhận việc phóng viên phản ánh các hộ buôn gỗ đua nhau san lấp ao, ĐNN để làm nhà xưởng sản xuất tại thôn Nguyên Hanh là đúng. Do một số địa phương trong huyện để xảy ra tình trạng vi phạm đất đai, nên ngày 30/6/2016, UBND huyện Thường Tín đã có Quyết định số 2504/QĐ/UBND thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về đất đai trên địa bàn. Mục đích là đôn đốc, hướng dẫn các địa phương xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; Làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm nhưng không xử lý theo tinh thần Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 của UBND TP và Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 16/4/2016 của Huyện ủy Thường Tín. “UBND xã đã giao cho cán bộ chuyên môn phối hợp với tổ công tác thống kê, lập hồ sơ các trường hợp vi phạm. Sau khi có kết quả sẽ xây dựng kế hoạch đề xuất với UBND huyện hướng xử lý theo đúng quy định” - ông Tuyên khẳng định.
Một trong những công trình vi phạm tại xã Văn Tự, huyện Thường Tín. Ảnh: Hữu Trường |