Hàng không phục hồi mạnh mẽ

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát ở nước ta, các hãng hàng không nội địa lập tức bắt tay vào công cuộc phục hồi sau đợt suy thoái nghiêm trọng nhất trong lịch sử.

 Việc sửa chữa đường bằng khiến tình trạng delay trở nên trầm trọng tại nhiều sân bay. Ảnh: Tiến Đạt

Tăng trưởng nóng sau đại dịch
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trong tháng 5/2020, lượng khách qua cảng trên cả nước đạt 2,88 triệu khách. Đối với hoạt động của các hãng hàng không, đã có 8.623 chuyến bay được khai thác, tỷ lệ hồi phục chung của toàn thị trường đạt 30% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này còn khiêm tốn bởi các chuyến bay quốc tế chưa được nối lại nhưng cũng đã là ngoạn mục so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về đà phục hồi của ngành hàng không sau dịch Covid-19, ông Đinh Việt Thắng – Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, tính đến thời điểm này, thị trường bay nội địa đã phục hồi xong. “Một tháng trở lại đây, các chuyến bay nội địa tăng nhanh. Thực tế cho thấy, thị trường bay nội địa của chúng ta phục hồi tương đối tốt và hiện tại có thể khẳng định, hoàn toàn không có vấn đề gì đối với bay nội địa. Số tuyến bay đã mở rộng nhiều hơn cả trước khi có dịch Covid-19” – ông Đinh Việt Thắng nói.
Đánh giá về nguyên nhân giúp cho hàng không nội địa phục hồi nhanh như vậy, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, một phần do thực hiện kích cầu đi lại trong nước, tăng cường mở thêm nhiều tuyến bay mới, áp dụng thêm khuyến mại, hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, một trong những lý do quan trọng đến từ sự linh hoạt của ngành hàng không cũng như các hãng bay, khi tăng cường mở thêm nhiều đường bay nội địa, để tận dụng tối đa tài nguyên cơ sở vật chất của hãng. “Chúng tôi mở thêm đường bay mới nhằm sử dụng hiệu quả những máy bay chưa khai thác quốc tế, đang phải nằm đất, tức là khai thác tối đa năng lực của các đội bay” – ông Đinh Việt Thắng nói.
Cần sớm có giải pháp cho “căn bệnh delay”
Tuy nhiên, đúng vào thời điểm vận tải hàng không trong nước đang tăng trưởng nhanh, hai sân bay lớn nhất nước (Nội Bài và Tân Sơn Nhất) phải thực hiện sửa chữa, nâng cấp đường băng. Đây là dự án cần phải được triển khai ngay lập tức và không thể trì hoãn. Bởi nếu không được sửa chữa kịp thời, hai sân bay này hoàn toàn có thể phải ngừng khai thác, khi hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tiếp tục xuống cấp trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ khi dự án được triển khai đã nảy sinh một số bất cập nhất định, ảnh hưởng đến chất lượng và an toàn bay. Không ít chuyến bay đến và đi tại hai sân bay này gặp phải tình trạng “delay” (chuyến bay bị hoãn), gây ra nhiều phiền toái cho hành khách đi máy bay, thậm chí còn khiến tình trạng delay lan truyền đến nhiều sân bay khác.
Trước tình trạng trên, ngày 7/7, đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phải phát đi tâm thư gửi hành khách đi máy bay bày tỏ mong muốn những “thượng đế” của ngành hàng không thông cảm và chia sẻ với Bộ, với Cục Hàng không Việt Nam cũng như các hãng bay. Ngày 8/7, Bộ GTVT tiếp tục có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị trực thuộc và các hãng hàng không yêu cầu điều phối lại slot, nhằm bảo đảm hoạt động bình thường tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong thời gian thi công cải tạo nâng cấp đường băng. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bán vé, chuẩn bị của các chuyến bay, tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không; xử lý nghiêm các hãng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng slot đã được cấp, nhất là hành vi bán vé không đúng slot được cấp rồi dồn, hủy chuyến bay làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia hàng không – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định, những bất cập phát sinh trong quá trình sửa chữa đường băng hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được dự báo trước. “Khi thi công, bắt buộc phải luân phiên đóng cửa một đường băng tại mỗi sân bay. Điều này, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến năng lực khai thác của sân bay cũng như khiến nhiều chuyến bay rơi vào tình trạng delay” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.
Theo chuyên gia hàng không này, các hãng bay đã phải “nằm chờ” một thời gian dài do ảnh hưởng của Covid-19 nên ngay khi được trở lại bầu trời, đương nhiên họ sẽ tìm cách khai thác tối đa công suất để nhanh chóng vực dậy sản xuất, bù vào khoản thiệt hại khổng lồ mà họ phải chịu do dịch bệnh. Chính vì thế, việc vận tải hàng không, đặc biệt là vận tải hành khách tăng trưởng nhanh trong hoảng 1 - 2 tháng trở lại đây là điều không bất ngờ. Tuy nhiên, Bộ GTVT, Cục Hàng không và các hãng bay cần sớm có giải pháp để khắc phục tình trạng chậm chuyến, dồn chuyến, gây phiền hà cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Theo số liệu thống kê, Bamboo Airways có tỷ lệ khôi phục số chuyến bay so với cùng kỳ năm ngoái cao nhất, chỉ tính riêng giai đoạn từ ngày 19/4 - 18/5, ngay sau thời kỳ giãn cách xã hội, số chuyến bay của Bamboo Airways đã đạt 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ này đối với Vietnam Airlines là 33,6%, Vietjet Air 30,8%, VASCO 26,2% và Jetstar Pacific (nay là Pacific Airlines) là 7,3%. Ngay từ khi trở lại bầu trời, các hãng bay đã đồng loạt mở những chương trình khuyến mại, kích cầu rất hấp dẫn.