Trong khi đó,qua giám sát có thể thấy trách nhiệm quản lý các dự án chậm triển khai chưa được nhận thức đúng mức.
>>> Bài 1: Của công không ai xót
Bài 2: Trách nhiệm của ai?
Thiếu kiểm tra thực tế
Việc quản lý các dự án có đầu tư ngoài Nhà nước chưa chặt chẽ là vấn đề được đoàn giám sát đặt ra. Ngay trong số liệu thống kê cũng thể hiện sự vênh nhau giữa Sở TN&MT Hà Nội và các quận, huyện. Tại quận Ba Đình, Sở TN&MT báo cáo, toàn quận Ba Đình hiện có đến 49 dự án trong diện cần GPMB. Tuy nhiên, theo xác nhận của Ban Bồi thường GPMB quận Ba Đình, trong danh sách này lại không có tên 5 dự án chậm tiến độ hàng chục năm qua. Tại quận Thanh Xuân, chỉ có 1 dự án trùng khớp giữa hai báo cáo của Sở và quận. Tính ra, báo cáo của Sở TN&MT cũng đã bỏ sót tổng cộng 24 dự án đã được xét duyệt nằm trên địa bàn các quận, huyện.
Nhiều thành viên của đoàn giám sát cho rằng, đã có sự “hiểu nhầm” trong thủ tục giao dự án cộng với sự thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thái độ thiếu kiên quyết của chính quyền cơ sở đã dẫn đến dự án bỏ hoang trong suốt nhiều năm qua. Từ đấy cho thấy, có một lỗ hổng rất lớn trong quản lý đất đai, tài sản công.
Thừa nhận sự lúng túng trong công tác quản lý, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà (Ba Đình) Nguyễn Hoàng Linh cho biết, bản thân ông thường xuyên phải nghe các kiến nghị của nhân dân mà không biết giải thích ra sao. Đất của người dân trong quy hoạch dự án thì không được cấp sổ đỏ, không được cấp phép xây dựng, không được canh tác, trong khi dự án kéo dài cả chục năm ròng khiến lực lượng chức năng của phường phải căng ra quản lý, rất mệt mỏi.
Cùng với đó, sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc thu hồi, gia hạn các dự án cũng là yếu tố gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý. Khi giám sát tại quận Ba Đình, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP đặt câu hỏi: Tại sao dự án kéo dài nhiều năm mà quận vẫn xin thành phố gia hạn? Theo lý giải của quận, một số dự án đúng là “đắp chiếu” cả chục năm nhưng thực ra chủ đầu tư đã bỏ tiền ra đầu tư một phần, một số dự án thì đã đầu tư dở dang nên đề nghị cho gia hạn. Tuy nhiên, việc gia hạn các dự án chậm triển khai chưa thật đúng luật. Bởi UBND TP là cơ quan có quyết định giao đất, nhưng các sở lại là đơn vị có thông báo gia hạn, đây là vấn đề dẫn đến những điều bất cập và chồng chéo giữa các ngành. Dẫn chứng rõ nhất, dự án xây dựng Trung tâm sách huyện Thanh Trì (xã Tứ Hiệp), được giao đất từ năm 2006, bị bỏ không, đến năm 2011, Sở KH&ĐT lại chấp nhận gia hạn đến quý II/2014, nhưng đến nay dự án vẫn bỏ không. Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng ban Kinh tế HĐND TP cho rằng, nếu dựa theo quy định, dự án không sử dụng đất sau 12 tháng hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đều có thể bị thu hồi. Hơn nữa, huyện đã nhiều lần yêu cầu thành phố thu hồi, nhưng dự án này vẫn được gia hạn, đó là vấn đề cần xem xét lại.
Dự án xây dựng nhà ở tại xứ đồng Đống Nước, ngõ 173 Hoàng Hoa Thám vẫn “đắp chiếu” từ năm 2002 đến nay. Ảnh: Thanh Hải
Đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh
Để tháo gỡ những vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai, các quận, huyện đều đề nghị HĐND TP kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai; bãi bỏ quy định chủ đầu tư phải tự thỏa thuận với người sử dụng đất về giá bồi thường mà có quy định cụ thể về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo hướng có lợi cho người có đất bị thu hồi. Đề nghị thành phố có quy hoạch tỷ lệ 1/2000 cho từng khu vực, triển khai đồng bộ công tác lập hồ sơ địa chính cho các phường, xã, thị trấn làm cơ sở cho việc hoàn chỉnh hệ thống quản lý đất đai... Đồng thời, kiến nghị thành phố kiểm tra, rà soát việc sử dụng đất sai mục đích, thu hồi quyết định, tiền thuê đất và giao cho địa phương quản lý, đầu tư xây dựng các công trình dân sinh.
Qua giám sát đã chỉ ra để xảy ra những sai phạm trong sử dụng đất có một phần không nhỏ trách nhiệm quản lý của quận, huyện với nhiều yếu kém, chứ không hẳn do chủ đầu tư, lý do khách quan. Có những dự án từ năm 2004 đã GPMB xong, chủ đầu tư "ôm" đất để đấy, không nộp nghĩa vụ tài chính, quận vẫn không xử lý. Đây là một vấn đề cần phải xem xét lại cụ thể, chi tiết. Trong các buổi giám sát, ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND TP nhiều lần nhấn mạnh: Chính quyền các quận, huyện không thể đổ hết lỗi cho các chủ đầu tư dự án, bởi nếu công tác quản lý Nhà nước về đất đai được làm quyết liệt, bài bản, đôn đốc mạnh mẽ thì không thể có tình trạng trên. Nếu không làm được mà đổ lỗi cho khó khăn về GPMB thì cần nhớ, trong hơn chục năm qua, trên toàn thành phố đã có hàng ngàn, hàng vạn công trình, dự án khác được triển khai thành công và chẳng có dự án nào không gặp khó khăn trong GPMB.
Qua giám sát cho thấy, công tác quản lý đất đai rất phức tạp, có vi phạm ở nhiều cấp, nhiều nơi, tình trạng vi phạm tràn lan, nhưng xử lý chưa thật kiên quyết. Một dự án ở cạnh đường Lê Văn Lương xây toà nhà 15 tầng mà có giấy phép hay không chính quyền cũng không hay. Nhiều dự án chậm triển khai, vướng mắc tràn lan có nguyên nhân từ xây dựng dự án, chuẩn bị dự án không kỹ càng, khoa học. "Bộ máy chính quyền có tầng tầng lớp lớp các cơ quan thanh tra từ trên xuống dưới nhưng lại bảo là không biết hoặc ngồi chờ đến khi cử tri kiến nghị, báo chí lên tiếng thì không được” - ông Hoạt nhận định.
Để công tác quản lý, sử dụng đất đi vào nền nếp và phát huy hiệu quả, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã yêu cầu các quận, huyện cần quan tâm và nhận thức đúng hơn vai trò quản lý trong công tác này. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được chú trọng để chính quyền các cấp và mỗi cán bộ hiểu rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của mình trong quản lý, sử dụng đất ngay từ cơ sở.
Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, từ năm 2009 đến nay, Sở đã phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý với 605 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai và kiến nghị việc xử lý. Trong đó, 18 dự án đã cho phép gia hạn quyết định giao đất. Sở cũng đã lập hồ sơ và trình thành phố thu hồi đất của 29 dự án chậm triển khai, đang tiếp tục hoàn thiện quyết định thu hồi với 11 dự án. 133 dự án chậm triển khai trong công tác GPMB, trong đó có nhiều dự án đã có quyết định giao đất từ năm 2003... |