Tại các phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Cà Mau xử 51 người lao động thua kiện. Tuy nhiên đến cấp phúc thẩm, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên hàng chục người lao động thắng kiện, buộc Công ty Cấp nước phải bồi thường.
Trong nhiều ngày liên tiếp (từ ngày 1/6 đến nay), TAND tỉnh Cà Mau đã xử phúc thẩm hàng chục vụ kiện tranh chấp lao động giữa người lao động (NLĐ) với Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau.
Hàng chục lao động bị cho thôi việc trái luật
Theo đó bắt đầu vào tháng 9/2015, Công ty Cấp nước Cà Mau thực hiện cắt hợp đồng đợt 1 với tổng số 76 NLĐ. Đến tháng 7/2016, Công ty này tiếp tục cho thôi việc đợt 2 với 29 NLĐ. Bất ngờ bị “đẩy ra đường” thông qua việc chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) nên hàng chục NLĐ đã khởi kiện Công ty Cấp nước Cà Mau ra tòa vì theo họ việc bị cho thôi việc là trái quy định pháp luật.
Những lao động nêu trên (đợt 1 là 36 người, đợt 2 là 27 người) khởi kiện Công ty Cấp nước Cà Mau ra tòa với yêu cầu hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ; buộc công ty nhận NLĐ trở lại làm việc; tiếp tục truy đóng các chế độ như: BHXH, BHYT, thất nghiệp từ khi bị cho nghỉ việc đến ngày xử phúc thẩm (tháng 6/2018); buộc công ty tiếp tục trả lương từ ngày xét xử phúc thẩm đến khi nhận NLĐ làm việc trở lại.
Vào tháng 1/2017, HĐXX TAND TP Cà Mau đã đưa ra xét xử sơ thẩm 34 vụ kiện của 36 NLĐ và cho rằng Công ty Cấp nước đúng rồi tuyên không chấp nhận các yêu cầu của nguyên đơn và xử NLĐ thua kiện. Tháng 11/2017, TAND tỉnh Cà Mau xử phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận 34 NLĐ (đợt 1) thắng kiện, Công ty Cấp nước Cà Mau sai nên buộc công ty phải nhận NLĐ trở lại làm việc và bồi thường theo pháp luật.
Mặc dù 34 bản án của tòa phúc thẩm còn “nóng hổi”, thế nhưng không hiểu vì động cơ gì đến tháng 2/2018, TAND TP Cà Mau khi đưa 17/27 vụ kiện của 27 NLĐ (đợt 2) ra xét xử lại tiếp tục dẫm vào “vết xe đổ” là tuyên 17 NLĐ thua kiện (còn 10 vụ chưa xử - PV)! Đến tháng 6/2018, TAND tỉnh tiếp tục xử phúc thẩm 17 vụ nêu trên và tuyên NLĐ thắng kiện, Công ty Cấp nước phải bồi thường và phải nhận NLĐ làm việc trở lại.
Thẩm phán TAND TP Cà Mau cùng… mắc lỗi hệ thống?
Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Tín Nghĩa (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nguyên đơn, nhận định: “Những lao động bị chấm dứt HĐLĐ và cho nghỉ việc hưởng chế độ, chốt sổ BHXH tại thời điểm bị nghỉ với lý do công ty không bố trí được việc làm sau khi tái cơ cấu tổ chức bộ máy, bố trí lại lao động… là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Bởi lẽ sau khi chấm dứt HĐLĐ với hàng chục lao động, phía Công ty Cấp nước Cà Mau vẫn phê duyệt định mức lao động kế hoạch năm 2016 là 265 người, có nghĩa là trong định mức lao động năm 2016 vẫn bao gồm những người đã bị nghỉ việc! Đồng thời, sau khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ, công ty vẫn có nhiều văn bản làm việc với các sở, ngành cho rằng có nhu cầu nhận NLĐ trở lại làm việc”.
Cũng theo Luật sư Lễ, trong vụ án này có nhiều câu hỏi được đặt ra, đó là: Tại sao TAND TP Cà Mau lại tuyên gần hết NLĐ thua ở phiên tòa sơ thẩm? Vì sao hàng loạt thẩm phán của toà này lại cùng mắc lỗi hệ thống như nhau đối với tập thể NLĐ? Trách nhiệm về hậu quả pháp lý của TAND TP Cà Mau ra sao khi xét xử hàng chục vụ kiện tranh chấp lao động đều sai quy định pháp luật? Việc các thẩm phán thuộc tòa án sơ thẩm bị NLĐ không còn tin tưởng, liệu có làm cho các vị đấy suy nghĩ?